Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Báo cáo mới: Điện than toàn cầu giảm trong năm thứ hai liên tiếp

  |   Viết bởi :

8:30 AM  

Liên hệ: Cindy Carr, Sierra Club, (202) 495-3034 hoặc cindy.carr@sierraclub.org Ted Nace, CoalSwarm, (510) 331-8743 hoặc ted@tednace.com Lauri Myllyvirta, Greenpeace, +86 157 1002 1563 hoặc lauri.myllyvirta@greenpeace.org 
 
BÁO CÁO MỚI: Điện than toàn cầu giảm trong năm thứ hai liên tiếp 
 
Từ năm 2015 tới 2017, công suất xây dựng mới giảm 73% khi chính phủ Trung Quốc ban hành các chính sách hạn chế phát triển điện than đồng thời tài chính tư nhân bị thắt chặt cũng khiến 17 công trường thi công bị đóng băng ở Ấn Độ. 

 
Thủ đô Washington - Theo báo cáo mới được công bố bởi Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm, năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp số lượng các nhà máy điện than toàn cầu giảm mạnh, chủ yếu là do giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo, Bùng nổ và Thoái trào 2018: Giám sát các Nhà máy điện than Toàn Cầu, là cuộc khảo sát thứ tư được tiến hành hàng năm về tất cả các dự án điện than toàn cầu. Phát hiện chính của báo cáo gồm công suất của nhóm dự án mới hoàn thành giảm 28% so với năm trước (giảm 41% trong hai năm qua), công suất của nhóm dự án khởi công xây dựng giảm 29% so với năm trước (giảm 73% trong hai năm qua), và công suất của nhóm dự án được cấp phép và trong quy hoạch giảm 22% so với năm trước (giảm 59% trong hai năm qua). 
 
Hoạt động phát triển điện than tiếp tục bị thu hẹp là do các chính sách thắt chặt các dự án điện than mới của chính quyền trung ương Trung Quốc và sự rút vốn mạnh mẽ của nguồn tài chính tư nhân ra khỏi điện than ở Ấn Độ. Tại Ấn Độ, hoạt động thi công dự án điện than đang bị đóng băng ở 17 điểm. 
 
Báo cáo cũng xác nhận một kỷ lục chưa từng có về tổng công suất nhà máy điện than ngừng hoạt động lên tới 97GW trong ba năm qua, dẫn đầu là các nước Mỹ (45GW), Trung Quốc (16GW) và Anh (8GW). Từ xu hướng ngày một gia tăng các nhà máy phải dừng hoạt động trong hai thập kỷ qua, báo cáo dự đoán rằng ngành điện than toàn cầu sẽ bắt đầu thu hẹp vào năm 2022 khi các công suất dừng hoạt động vượt công suất phát triển mới.  
Trên toàn cầu, phong trào loại bỏ than đang ngày một phổ biến với cam kết của 34 quốc gia và các tổ chức địa phương. Năm 2017, chỉ có bảy quốc gia dự kiến phát triển dự án điện than mới ở nhiều hơn một địa điểm. 
Mặc dù số lượng dự án điện than mới giảm xuống, nhưng báo cáo cảnh báo rằng lượng khí thải trong cả vòng đời của các nhà máy điện than đang vận hành hiện nay sẽ vượt giới hạn các bon cho phép đối với than để đạt được mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Để giữ lượng phát thải của than trong phạm vi cho phép đó, cần dừng xây dựng các nhà máy mới và đẩy nhanh tốc độ đóng cửa các nhà máy đang vận hành.  
 
Ông Ted Nace, giám đốc của CoalSwarm nhận định: "Từ quan điểm bảo vệ sức khỏe và giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu, xu hướng giảm phát triển điện than rất đáng khích lệ, tuy nhiên tốc độ như hiện tại là chưa đủ nhanh. Nhưng thật may mắn khi hoạt động mở rộng sản xuất đã giúp giá của điện mặt trời và điện gió giảm nhanh hơn dự kiến, đồng thời loại năng lượng này cũng đang được cả thị trường tài chính và các nhà quy hoạch điện trên toàn thế giới rất quan tâm.” 
Lauri Myllyvirta, chuyên gia cấp cao của Greenpeace cho biết: "Việc giảm xây dựng nhà máy nhiệt điện than và đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy đang vận hành là tin vui cho sức khoẻ cộng đồng - ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân dẫn đến hàng trăm ngàn ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu. Mặc dù tốc độ xây dựng dự án mới đã chậm lại, nhưng tình trạng dư thừa công suất ngày càng diễn biến xấu, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia do những nước này vẫn tiếp tục phát triển các dự án mới.” 
 
### 
 
Lưu ý: Một tổ máy phát điện của nhà máy điện than điển hình là 500 MW hoặc 0,5 GW, và hầu hết các nhà máy điện than đều có hai tổ máy trở lên. 
 
Tham khảo báo cáo đầy đủ tại đây 
 
 Về Sierra Club 
Sierra Club là tổ chức môi trường quần chúng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tại Mỹ, với hơn ba triệu thành viên và người ủng hộ. Bên cạnh những hoạt động nâng cao hiểu biết của người dân về giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và di sản, Sierra Club còn thúc đẩy năng lượng sạch, an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ động vật hoang dã, và bảo tồn các khu vực tự nhiên hoang dã thông qua các hoạt động với cộng đồng, giáo dục công chúng, vận động chính sách và trợ giúp pháp lý. 

 Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo tại www.sierraclub.org 
 ---------------------------------------------
Về CoalSwarm  
CoalSwarm là mạng lưới các nhà nghiên cứu toàn cầu nỗ lực phát triển nguồn thông tin tổng hợp về nhiên liệu hóa thạch và các giải pháp thay thế. Hiện tại CoalSwarm đang triển khai Hệ thống Giám sát Nhà máy Điện Than Toàn cầu, Hệ thống giám sát Dự án Nhiên liệu hóa thạch Toàn cầu (than, dầu và khí đốt) và bản tin CoalWire.  
Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo tại www.coalswarm.org. 
----------------------------------------------- 
 Về Greenpeace  
Greenpeace là một tổ chức hoạt động toàn cầu độc lập với mục tiêu thay đổi thái độ và hành vi, nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy hòa bình. Greenpeace có mặt tại hơn 40 quốc gia trên khắp Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi và Thái Bình Dương. 
Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo tại www.greenpeace.org.