Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế tất yếu và lợi ích cho địa phương

  |   Viết bởi : Huỳnh Văn Xĩ

Đó là chủ đề hội thảo trực tuyến do Trung tâm phát triển Sáng Tạo Xanh - Green ID (trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (Liên hiệp hội) 4 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang và Bạc Liêu tổ chức ngày 17/9/2020.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang

Tại hội thảo, đại biểu được thông tin về xu thế, cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng sạch trên thế giới và Việt Nam; quá trình nghiên cứu, đề xuất 3 kịch bản nguồn điện của Green ID nhằm đóng góp vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), trong đó, năng lượng tái tạo rất được quan tâm và ưu tiên đầu tư trong tổng cơ cấu, công suất nguồn điện dự kiến cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong các thập niên tiếp theo, bao gồm: điện mặt trời, điện gió, điện khí...

Đại diện các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình phát triển, số dự án năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, các dự án điện gió đã và đang được triển khai đầu tư tại địa phương. Theo đó, Tiền Giang hiện có 913 tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 12.238 kWp; đồng thời, đang quy hoạch và có kế hoạch triển khai 4 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất trên 1.000 MW.

Đồng Tháp hiện có 2 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương gồm: Dự án đầu tư phát triển điện mặt trời trên diện tích mặt nước tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông với công suất 13 MW và Dự án phát triển điện mặt trời trên vùng trồng lúa và hồ nước tại xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự với công suất 20 MW. Riêng tỉnh Bạc Liêu có trên 30 dự án điện gió với tổng mức đầu tư trên 110 ngàn tỷ đồng; trong đó, nhà máy điện gió Bạc Liêu có tổng công suất 99,2 MW (lớn nhất nước), điện năng sản xuất đạt 320 triệu kWh...

Bà Phí Thị Minh Nguyệt (Công ty Climate Bonds Intiatve) chia sẻ về trái phiếu xanh, một công cụ huy động vốn tiềm năng cho các dự án khí hậu. Theo đó, các tổ chức tài chính, phi tài chính, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đều có thể phát hành trái phiếu xanh nhằm cung cấp thêm một kênh huy động vốn cho các dự án xanh.

Đại diện các tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng tái tạo (trong đó có năng lượng mặt trời) bao gồm: Green ID cần phối hợp các bộ, ngành liên quan, Liên hiệp hội các tỉnh, thành đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích của điện mặt trời mái nhà; bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn về quy chuẩn kỹ thuật mái nhà đảm bảo an toàn và khuyến cáo người dân lựa chọn thiết bị, công nghệ điện mặt trời phù hợp khi tiến hành đầu tư, lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời; ngành điện cần công bố công suất lưới điện ở những vị trí có khả năng tiếp nhận nguồn điện mặt trời để tổ chức, cá nhân yên tâm trước khi quyết định đầu tư; về vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, giá mua điện mặt trời của EVN, đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện của EVN hoặc ban hành Nghị định khung và giao Bộ công thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về giá mua điện mặt trời (sau thời điểm 31/12/2020) áp dụng trong thời gian dài...

Theo Báo Tiền Giang - Tác giả: Huỳnh Văn Xĩ