Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Chuyển dịch năng lượng tại Châu Á- Khi tình hình trở nên khó khăn hơn

  |   Viết bởi : Justin Wu

Thập kỷ mới đã bắt đầu với một dấu hiệu không mấy khả quan dành cho khu vực Châu Á. Sau một năm 2019 đầy biến động, với các tranh chấp thương mại và bất ổn chính làm suy yếu các nền kinh tế lớn trong khu vực, tháng 1/2020 chứng kiến sự lây lan nhanh chóng của virus corona làm gián đoạn ngành du lịch và kinh doanh. Sự không chắc chắn và thái độ lo lắng kéo dài trước tác động của virus, song, đến một thời điểm nào đó, tình hình sẽ trở lại bình thường và thế giới sẽ phải một lần nữa suy nghĩ về một mối đe dọa còn khủng khiếp hơn nhiều đối với sự tồn tại của con người: biến đổi khí hậu.

Chiếm 53% lượng khí thải toàn cầu và là nơi có những nền kinh tế phát thải lớn nhất (Trung Quốc) và phát triển nhanh nhất thế giới (Ấn Độ và Đông Nam Á), các hành động của Châu Á sẽ quyết định việc liệu chúng ta có thể cải thiện tình hình khí thải nhà kính và đạt được những tiến triển có ý nghĩa trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Trong 10 năm vừa qua, chúng tôi đã viết rất nhiều về sự gia tăng không ngừng của khu vực Châu Á với vai trò là nhà đầu tư hàng đầu thế giới về năng lượng sạch. Từ năm 2010 cho đến 2019, khu vực này đã đầu tư hơn 1,5 nghìn tỷ đô tương đương với 46% của con số toàn cầu. Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng mới 2019 (NEO) của chúng tôi, Châu Á được kỳ vọng sẽ đầu tư thêm ít nhất 1,5 nghìn tỷ đô tới năm 2030.

Với chi phí thấp hơn, độ “chín” của công nghệ và nhu cầu tăng trưởng năng lượng mạnh mẽ, Châu Á sẽ dễ dàng chọn năng lượng gió và mặt trời thay vì than. Nhưng để đạt được con số 1,5 tỷ đô lần này sẽ không dễ dàng như lần trước – để điều này có thể xảy ra, các công ty và chính phủ trong khu vực sẽ cần sẵn sàng thực hiện những thay đổi lớn không chỉ trong cách thức hoạt động của hệ thống năng lượng, mà còn trong cách các tập đoàn và thậm chí là cả nền kinh tế được vận hành. Đây sẽ không phải là những lựa chọn dễ dàng, nhưng nếu không thực hiện chúng, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Châu Á có thể bị chững lại trong thập kỷ tới đây.

Trong bài viết này, tôi sẽ thảo luận về 3 điều mà các công ty và chính phủ tại Châu Á cần phải có trước năm 2030 nếu muốn năng lượng sạch tiếp tục chiếm ưu thế. Những vấn đề này đã không được thảo luận đầy đủ, và phạm vi cũng như mức độ cũng những thay đổi này là rất khó để tưởng tượng và bị đánh giá quá thấp. Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu trong báo cáo năm 2018, Global Warming of 1.5°C (Nóng lên toàn cầu 1.5°C ), đã lưu ý rằng quá trình giảm thiểu khí cacbon yêu cầu “những thay đổi hệ thống chưa từng có về mặt quy mô…”  Một cam kết đầy đủ từ toàn thể xã hội là rất cần thiết. Không một nơi nào khác ngoài Châu Á mà điều này trở nên đúng đắn hơn, đặc biệt là trong 10 năm tới.

Những thay đổi về hệ thống chưa từng có

Tại Hội nghị thượng đỉnh BNEF Thượng Hải vào tháng 12/2019, một phiên thảo luận đã trở thành một điểm nhấn bất ngờ. Buổi thảo luận không phải về phương tiện hay pin chạy bằng điện, không phải về những công nghệ mới hay những cơ hội đầu tư mới được khám phá gần đây. Đó đúng hơn là một buổi họp khá kỹ thuật về cải cách thị trường năng lượng. Nhóm của chúng tôi đã trình bày về kinh nghiệm trong việc cải cách tại Nhật Bản và những bài học có thể áp dụng cho Trung Quốc. Ở bất cứ phần nào khác của thế giới, cải cách thị trường năng lượng có thể không gợi nhiều sự hứng thú, nhưng tại Trung Quốc, mọi người đều biết rằng đây là câu hỏi quan trọng nhất cho việc liệu đất nước này có thể thành công trong việc giảm phát thải khí cacbon trong ngành năng lượng hay không.

Trong năm 2020 Trung Quốc sẽ đạt được một cột mốc quan trọng, trong đó 10% điện năng sẽ đến từ gió và mặt trời, một thành tựu quan trọng đối với hệ thống năng lượng lớn nhất thế giới. Những thành tựu của Trung Quốc ở lĩnh vực năng lượng sạch trong thập kỷ vừa qua là rất lớn, giúp đất nước này trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng gió và mặt trời, và kể từ năm 2016, đã bổ sung năng lượng tái tạo nhiều hơn năng lượng hóa thạch mỗi năm. Cũng theo NEO 2019, Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được 26% sản lượng từ gió và mặt trời vào năm 2030 và 48% vào năm 2050. Những con số này còn lớn hơn nhiều nếu như ta để ý rằng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng trưởng. Con số 26% của Trung Quốc vào năm 2030 tương đương với mức tăng gấp bốn lần xét về số terawatt trên giờ của điện gió và mặt trời được tạo ra từ năm 2020, trong khi 48% vào năm 2050 sẽ tương đương với mức tăng gấp 7 lần so với hiện nay.   

Liệu có thể đạt được? Chúng tôi tin là như vậy, nếu Trung Quốc tuân theo một phương pháp kinh tế hợp lý để xây dựng hệ thống năng lượng tương lai và lựa chọn các công nghệ có chi phí thấp nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nước này. Nhưng hiện tại Trung Quốc đang không tuân theo các quy tắc như vậy. Điều mà các nhà hoạch định chính sách, công ty và nhà đầu tư ở Trung Quốc không nhận ra (hoặc đánh giá cao) là để đạt được mức xây dựng năng lượng tái tạo đó vào năm 2030, cần có những thay đổi sâu sắc và quan trọng đối với cách thức thị trường năng lượng được cấu tạo và phương thức mua bán điện.

Vào năm 2015, Trung Quốc, với sự phô trương của mình, đã khởi động một loạt các cải cách thị trường điện nhằm thay đổi cách các công ty của họ đầu tư vào các nhà máy điện và phương thức mua điện. Điều này có nghĩa là thay vì các cơ quan quản lý nói với các công ty nhà nước tăng công suất để tránh tình trạng thiếu điện, thì thị trường nên đưa ra các tín hiệu giá về việc nên phát triển cái gì và khi nào. Thay vì các quan chức phân bổ giờ phát điện và xác định mức giá cho các nhà máy khác nhau, một thị trường bán buôn nên cho phép các nhà máy điện khác nhau cạnh tranh để cung cấp điện rẻ nhất. Người tiêu dùng từ đó nên được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này và được phép chọn người mà họ mua điện, bao gồm lựa chọn mua điện giá rẻ từ các nguồn tái tạo.

Nếu hệ thống này hoạt động như dự định, Trung Quốc cũng sẽ giải quyết được vấn đề thứ hai (và có thể nói là quan trọng hơn), đó là làm thế nào để trả tiền cho việc xây dựng năng lượng mặt trời và gió mà không cần trợ cấp của chính phủ. Trong hơn 10 năm, các khoản trợ cấp hào phóng - dưới hình thức trả phí thêm cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và gió với con số lớn hơn gấp đôi so với các nhà máy phát điện than - đã thúc đẩy sự bùng nổ ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Những trợ cấp này đã trở nên không bền vững trong những năm gần đây và cũng ngày càng khó để giải trình, do sự suy giảm chi phí nhanh chóng của năng lượng gió và mặt trời. Chính phủ hiện muốn loại bỏ hoàn toàn các khoản trợ cấp này trong vòng 1-2 năm tới.

Cho đến bây giờ, tiến độ ở cả hai nỗ lực vẫn còn chậm. Chưa đến 30% lượng điện được sản xuất tại Trung Quốc được bán thông qua các cơ chế bãi bỏ quy định vào năm 2019, nghĩa là năng lượng được bán ở mức giá khác với mức mà chính phủ ủy thác cho công nghệ đó, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 70% thặng dư cho năm 2020. Về phía trợ cấp cho năng lượng tái tạo, chúng tôi ước tính rằng chỉ có khoảng 18% năng lượng mặt trời và 2% gió được xây dựng mà không có trợ giá ưu đãi năng lượng tái tạo trong năm 2019.

Nhưng khi điện được bán ở mức miễn giảm quy định, chúng ta đã chứng kiến những mức giảm giá -  điện than được bán trung bình 7% dưới mức quy định, trong khi điện gió đạt mức giảm giá 23%. Điều có nghĩa là điện có thể được mua ở mức giá rẻ hơn bởi các nhà bán lẻ hoặc mua trước trực tiếp bởi các công ty lớn hoặc các địa điểm thương mại. Năng lượng gió và mặt trời “không trợ cấp”, tuy quy mô vẫn còn nhỏ nhưng đã chứng minh khả năng tồn tại của nó, có nghĩa rằng ngay cả khi không có trợ cấp hào phóng, thị trường to lớn của năng lượng mặt trời và gió của Trung Quốc sẽ không sụp đổ.

Các nhà quản lý của Trung Quốc nhận ra rằng những cải cách này là cần thiết, vì cách tiếp cận hiện tại không còn khả thi trong thời đại chuyển đổi năng lượng và với một nền kinh tế trưởng thành ít phụ thuộc vào các ngành công nghiệp đói năng lượng. Nhưng để tiến xa hơn, các nhà hoạch định chính sách và công ty của Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị để bắt đầu đối phó với những thách thức mà nhiều thị trường điện tự do khác  đã phải vật lộn trong nhiều năm - cụ thể là “đường cong vịt”,  giá điện hiện thực cho tất cả, các vấn đề về độ chắc chắn, sự bất ổn về giá cho người tiêu dùng. Nếu không có các lệnh từ chính phủ, công văn hoặc đảm bảo về giá, các nhà sản xuất điện lớn của nhà nước có thể quyết định rằng họ không còn có thể xây dựng hoặc vận hành có lợi nhuận nhà máy điện than khi đối mặt với năng lượng tái tạo giá rẻ - kế hoạch phát triển than công suất 148GW có thể không bao giờ được triển khai. Trong môi trường hiện tại, khi chính phủ Trung Quốc đấu tranh chống lại những “cơn gió ngược” của kinh tế, việc để giá điện đối mặt với sự khắc nghiệt của thị trường có thể là một bước đi quá xa.

Trong năm 2020, Ấn Độ cũng sẽ đạt được cột mốc tương tự với việc 11% điện năng sẽ đến từ gió và mặt trời. Mặc dù đất nước này có một hệ thống năng lượng được miễn giảm quy định (và có thể nói là mở và cạnh tranh hơn) so với Trung Quốc, các mối quan tâm về kinh tế và cấu trúc cũng đè nặng và kìm hãm tiềm năng triển khai năng lượng tái tạo.

Giống như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã đạt được những tiến bộ to lớn trong 10 năm qua. Ấn Độ đã phát triển năng lượng tái tạo nhiều hơn than kể từ năm 2017 và đã triển khai thành công năng lượng mặt trời rẻ nhất thế giới qua các cuộc đấu giá cạnh tranh, chứng minh rằng năng lượng xanh cũng phù hợp cho các quốc gia đang phát triển.

NEO 2019 của chúng tôi cũng nhấn mạnh tiềm năng tương lai to lớn của Ấn Độ - mô hình cho thấy đất nước này có thể đạt được mốc 26% năng lượng gió và mặt trời vào năm 2030 và 55% vào năm 2050. Đến năm 2050, Ấn Độ sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành hệ thống điện lớn thứ hai thế giới. Điều này có nghĩa là 55% gió và mặt trời vào năm 2050 tương đương với mức tăng 17,5 lần về số terawatt trên giờ so với năm 2020.

Nhưng giờ đây, Ấn Độ hiện đang đi theo hướng ngược lại - nhóm của chúng tôi đã cắt giảm dự báo năng lượng gió và mặt trời giữa năm 2020 và 2023 hơn 10GW vì hàng loạt các thách thức mà ngành này hiện đang phải đối mặt. Mục tiêu đạt được 175GW điện gió và mặt trời vào năm 2022 đầy tham vọng của chính phủ giờ đây dường như không thể đạt được - vào cuối năm 2019, Ấn Độ chỉ có dưới 80GW ở cả hai công nghệ.

Trọng tâm của những thách thức của Ấn Độ là các công ty phân phối điện (hay “discoms”), chịu trách nhiệm cung cấp và phân phối điện cho người tiêu dùng. Không thể kiếm được lợi nhuận hoặc hòa vốn từ việc bán điện, nhiều discoms đang chịu áp lực vận hành và tài chính nghiêm trọng, và phải dựa vào sự cứu trợ của chính phủ để tồn tại. Những discoms gặp bất ổn về tài chính từ đó có thể gây tổn hại đến các ngân đã hỗ trợ họ, từ đó tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế địa phương. Bởi vì các cơ quan quản lý nhà nước đặt mức giá điện (và quan tâm đến việc giữ mức giá này thấp, đặc biệt là đối với người dân và nông dân vì lý do kinh tế xã hội và chính trị), các discoms không có khả năng đặt một mức giá có thể giúp họ hòa vốn. Và vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi họ thường thiếu thốn các nguồn lực để thu tiền điện từ các khách hàng hiện tại của họ. Do đó, hầu hết các công ty phân phối của Ấn Độ chỉ đơn giản là không thể mua đủ điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ngay cả khi nguồn điện đó đến từ một trong những nguồn năng lượng mặt trời và gió rẻ nhất trên thế giới.

Thực tế là chi phí cho năng lượng gió và mặt trời đang giảm không ngừng chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn - một số discoms đã từ bỏ trong các hợp đồng mua bán điện (PPA), quyết định đàm phán lại với giá tốt hơn khi chi phí giảm xuống. Ở Andhra Pradesh, chính phủ tiểu bang đe dọa sẽ đàm phán lại hoặc hủy bỏ các PPA năng lượng tái tạo ở bang này nếu không phù hợp với mức thuế thấp ở các khu vực khác của đất nước, cho rằng thuế quan cao là chống lại lợi ích cộng đồng và các công ty phân phối sẽ không thể đủ khả năng để trả tiền cho nguồn năng lượng đắt đỏ. Sự can thiệp của các tòa án và cơ quan kháng cáo cuối cùng đã buộc chính quyền tiểu bang phải lùi bước, nhưng đã có những thiệt hại, các nhà đầu tư đã không được quan tâm và đã suy nghĩ lại về việc đầu tư thêm tiền vào năng lượng gió hoặc mặt trời.

Sự khó khăn của các discoms được biết đến rộng rãi bởi những người trong ngành năng lượng tái tạo và được trích dẫn rộng rãi như một rào cản đối với việc tăng cường triển khai tại Ấn Độ. Khi Thủ tướng Narendra Modi được bầu lần đầu tiên vào năm 2014, ông đã hứa cải cách các công ty phân phối. Vào tháng 1 năm 2020, ông đã hứa một lần nữa và đặt ra các mục tiêu cụ thể cho việc tư nhân hóa các discoms cũng như cho việc giảm tổn thất của các công ty này từ việc bán điện. Trừ khi tình trạng của các discoms được giải quyết, Ấn Độ sẽ phải đấu tranh để tăng gấp bốn lần sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030. Nhưng làm như vậy sẽ gây ra rắc rối - những discoms sẽ cần được tư nhân hóa và biến thành các tổ chức có lợi nhuận. Điều đó dẫn đến sự thất thoát việc làm. Sau đó, chính phủ phải cho phép những discoms mới được tư nhân hóa này tính giá hợp lý cho điện của họ, điều đó có nghĩa là giá điện nhiều khả năng sẽ tăng lên đối với người tiêu dùng Ấn Độ, một điều sẽ gây ra hậu quả về chính trị và kinh tế. Liệu Ấn Độ đã sẵn sàng cho điều này ?

Vai trò của các thành phố

Trong chuyến đi gần đây tới Bangkok vào cuối năm ngoái, một khách hàng tại một công ty lớn đã yêu cầu chúng tôi thuyết trình để giúp thông báo cho các đồng nghiệp của anh ấy về việc chuyển đổi năng lượng có ý nghĩa gì đối với Đông Nam Á. Anh cảnh báo trước với chúng tôi rằng khán giả sẽ đa dạng, có nghĩa là không phải ai ở đó cũng biết năng lượng sạch hoặc tin vào triển vọng tương lai của nó. Bất chấp ánh nắng mặt trời nhiệt đới bên ngoài, khán giả, chủ yếu mặc đồ vest và áo len, đều cảm thấy lạnh cóng - điều hòa không khí trong phòng đã ở mức thấp nhất.

Khách hàng của tôi đã đúng bởi không mất nhiều thời gian để tôi nhận được câu hỏi hoài nghi đầu tiên, đó là một câu hỏi kiểu dạng như: Bạn có chắc chúng ta có thể phát triển được nhiều năng lượng mặt trời như vậy trong tương lai không? Chúng tôi không có nhiều đất ở Bangkok, bạn có biết bất động sản ở đây đắt đỏ như thế nào không? Tôi trả lời rằng trong khi mối quan tâm về đất đai là phổ biến ở các quốc gia đông dân ở châu Á, và thực sự bất động sản đô thị đúng là đắt đỏ, chúng không phải là rào cản đối với việc triển khai năng lượng tái tạo. Sau cùng, không nhất thiết phải sử dụng nhiều đất hơn các dự án cơ sở hạ tầng khác và không cần phải được triển khai trên các lô chính trong thành phố.

Tuy nhiên, câu hỏi và toàn bộ trải nghiệm của chuyến đi đó đã khiến tôi suy nghĩ về một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á - vai trò của các thành phố, đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi. Châu Á đang đô thị hoá một cách nhanh chóng, với các thành phố trở thành nơi tập trung không chỉ về mặt dân số, mà còn về hoạt động kinh tế và do đó là phát thải. Theo Liên Hợp Quốc, tỷ lệ đô thị hóa của châu Á trên thực tế thấp hơn so với các khu vực khác, chỉ ở mức hơn 50% nhưng đang tăng nhanh và việc lục địa này có dân số lớn hơn có nghĩa là hơn một nửa trong số 4.2 tỷ cư dân đô thị trên thế giới hiện đang sống ở các thành phố châu Á. Hơn nữa, các khu vực đô thị của Châu Á lớn và có mật độ dày đặc hơn rất nhiều so với các đô thị tại các lục địa khác - dẫn đầu là ba khu vực đô thị lớn nhất thế giới theo dân số - Tokyo, New Delhi và Thượng Hải. Trong trường hợp của Bangkok, thành phố này cũng là trung tâm của nền kinh tế Thái Lan, chiếm khoảng 44% GDP quốc gia. Cách thức châu Á quản lý dấu chân năng lượng của các thành phố trong thập kỷ tới sẽ quyết định liệu chúng ta có thể bẻ cong đường cong phát thải không chỉ về năng lượng mà còn về giao thông, công nghiệp và xây dựng.

Sự phát triển của các siêu đô thị châu Á cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về chất lượng cuộc sống, vì các thành phố lớn hơn đồng nghĩa với tình hình ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông tồi tệ hơn. Nỗ lực giải quyết cả hai vấn đề trên đã có tác động đến quá trình chuyển đổi năng lượng, như chúng ta đã thấy ở Trung Quốc, nơi việc chuyển đổi quy mô lớn từ than sang khí đốt để sưởi ấm đô thị đã dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ khí đốt và hạn chế đối với các phương tiện động cơ đốt trong đã dẫn đến việc hơn một nửa số xe điện của thế giới đang được sử dụng trên đường phố Trung Quốc. Cả hai nỗ lực này đều đã có tác động rõ rệt trong việc cải thiện chất lượng không khí trong những năm gần đây. Năm 2019, nồng độ trung bình PM2.5 - các hạt nhỏ có hại nhất và là chỉ số chính của ô nhiễm không khí - của Bắc Kinh đã giảm xuống dưới một nửa so với mức độ của năm 2013 và thành phố đã thoát khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới                    

Cùng thời điểm khi Bắc Kinh đang có những tiến triển đáng chú ý, Bangkok và Delhi khi đó cũng đang phải vật lộn với những lo ngại ngày càng tăng về ô nhiễm không khí, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đòi hỏi và chính phủ cam kết về việc hành động. Làm thế nào một Đông Nam Á và Ấn Độ đang nhanh chóng đô thị hóa đối phó với những lo ngaij ngày càng tăng về ô nhiễm và liệu điều này có tác động đến các lựa chọn năng lượng và giao thông của họ?

Giống như Trung Quốc, các thành phố ở Ấn Độ và Đông Nam Á coi số lượng ngày càng tăng của ô tô, cũng như các phương tiện vận tải hai và ba bánh (xe máy và tuk tuk), những phương tiện mà chủ yếu hoạt động dựa vào dầu diesel, là một nguồn gây ô nhiễm chính. Nhiều người hơn có nghĩa là phương tiện giao thông nhiều hơn, dẫn đến tắc đường và phát thải nhiều hơn. Nhưng không giống như Trung Quốc, các quốc gia ở vùng khí hậu ấm áp hơn ở Nam Á không sử dụng than để sưởi ấm mà thay vào đó dựa vào các máy điều hòa để làm mát, dẫn đến nhu cầu điện cao hơn. Chúng ta hãy nhìn vào tác động của hai yếu tố trên một cách riêng biệt.

Đầu tiên về vận tải, BNEF dự báo đến cuối năm 2020, sẽ có khoảng 10 triệu xe điện được sử dụng, phần lớn trong số này ở Trung Quốc, Châu Âu và Bắc Mỹ, với một số lượng không đáng kể ở Ấn Độ hoặc Đông Nam Á. Trong khi các công ty và chính phủ tại Ấn Độ và Đông Nam Á rất quan tâm đến các cơ hội kinh doanh liên quan đến xe điện và sản xuất pin, thì trên thực tế hầu hết xe điện vẫn nằm ngoài tầm với của người tiêu dùng trên thế giới. Chi phí trung bình ở Thái Lan của một chiếc xe động cơ đốt trong bốn chỗ do một nhà sản xuất Nhật Bản hoặc Hàn Quốc sản xuất là khoảng 17.000 USD, trong khi giá của một chiếc Nissan Leaf là khoảng 64.600 USD. Đội ngũ vận tải tiên tiến của chúng tôi hy vọng rằng với chi phí pin giảm, xe điện sẽ bắt đầu đạt mức ngang bằng với giá niêm yết của các phương tiện đốt trong vào giữa những năm 2020 tại các thị trường xe hơi lớn như ở Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng đối với Đông Nam Á hoặc Ấn Độ, khoảng cách giá là quá lớn để đạt được mục tiêu trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, việc điện khí hóa vận tải vẫn sẽ có vai trò trong việc phát triển tại Châu Á. Nó sẽ chỉ ở dưới dạng phương tiện hai hoặc ba bánh thay vì bốn, và sử dụng chung thay vì sở hữu xe hơi tư nhân. Tại Ấn Độ, xe hai bánh chiếm hơn 80% tổng doanh số bán xe từ năm 2018 đến 2019 và doanh số xe hai bánh chạy điện tăng gấp bốn lần từ năm 2016 đến 2018. Xe tuk tuk ba bánh, thường được sử dụng làm taxi ở các thành phố của Ấn Độ, có chi phí sở hữu thấp hơn với hệ thống truyền động chạy bằng điện thay vì bằng nhiên liệu hoá thạch - khi được sử dụng trong khoảng cách xa hơn. Doanh số bán xe ba bánh chạy điện đã tăng mạnh kể từ năm 2016 nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ. Nhóm chúng tôi ở Ấn Độ và Đông Nam Á cũng dự báo rằng trong khi nhu cầu về phương tiện du lịch sẽ tăng đáng kể trong 10 năm tới, nhờ vào đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế, hơn 40% nhu cầu này có thể được đáp ứng bởi các phương tiện dùng chung - hay nói cách khác, xe buýt, taxi hoặc các ứng dụng gọi xe.

Đây đều là những xu hướng tích cực và cho thấy một châu Á đang phát triển có con đường hướng tới điện khí hóa vận tải thông qua các xe tuk tuk thay vì Tesla. Nhưng mục tiêu đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị ngày càng tăng mà không làm ô nhiễm không khí gia tăng theo cấp số nhân tại các thành phố Châu Á, sẽ là một thách thức cực kỳ khó khăn. Dân số của Bangkok, hiện ở mức 10 triệu người, dự kiến sẽ tăng đến mức hơn 15 triệu vào năm 2030. Vùng lân cận Jakarta, nơi cũng đã trải qua ô nhiễm không khí và thậm chí tình trạng tắc đường còn tồi tệ hơn, được dự đoán sẽ trở thành thành phố lớn nhất thế giới vào năm 2030, với dân số hơn 35 triệu người.

Nhu cầu về điều hòa không khí ở Đông Nam Á cũng sẽ tăng mạnh cùng với dân số và đô thị hóa đang ngày càng tăng. Từ năm 2018 đến 2050, nhóm của chúng tôi dự báo nhu cầu điện trong khu vực sẽ tăng 152%, trong khi nhu cầu điện từ điều hòa sẽ tăng 493%. Chưa đến 30% hộ gia đình ở Thái Lan và 10% hộ gia đình ở Indonesia hiện đang sở hữu một chiếc điều hòa không khí. Đến năm 2050, hơn 60% hộ gia đình trên khắp Đông Nam Á sẽ có máy điều hòa, chiếm 26% tổng nhu cầu điện.

Sự gia tăng trong việc sử dụng điều hòa không khí chắc chắn sẽ mang đến những thách thức cho các nhà điều hành lưới điện và các công ty điện lực ở Đông Nam Á, nhưng nó cũng sẽ là một cơ hội. Việc sử dụng điều hòa ở mức cao nhất khi trời nóng vào ban ngày, điều đó có nghĩa là nhu cầu năng lượng đạt đỉnh vào buổi trưa và buổi chiều. Điều này hoàn toàn tương ứng với việc sản xuất năng lượng mặt trời, cũng ở mức cao nhất trong buổi trưa nắng và buổi chiều. NEO 2019 của chúng tôi dự báo một khoản đầu tư lớn vào năng lượng mặt trời ở Đông Nam Á đến năm 2050 - hơn 60% trong số 611 tỷ đô đầu tư vào sản xuất trong khu vực sẽ rơi vào năng lượng mặt trời, cả phụ trợ và quy mô nhỏ. Rõ ràng có một cơ hội để kết hợp hai yếu tố lại với nhau để giúp cân bằng hệ thống và tiếp năng lượng cho  điều hòa không khí với một nguồn điện giá rẻ và sạch vào giữa ngày.

Nhưng điều này một lần nữa sẽ chỉ xảy ra nếu các nhà hoạch định chính sách và chính phủ ở các quốc gia này chuẩn bị cho nó và nhận ra quy mô của những gì cần phải làm. Điều hòa không khí sẽ thay đổi hoàn toàn hồ sơ nhu cầu của các hệ thống điện trên khắp Đông Nam Á. Điều đó có nghĩa là cần đầu tư vào các lưới phân phối điện ở các thành phố này và sẽ cần thêm dữ liệu và phần mềm để quản lý tất cả những điều này. Nếu Bangkok hoặc Jakarta muốn trở nên sẵn sàng trong 10 năm tới, họ cần bắt đầu suy nghĩ và đầu tư vào việc này ngay bây giờ.

Xây dựng một thương hiệu toàn cầu

Vào ngày 22 tháng 9 năm 2019, một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh về Hành động Khí hậu của Liên hợp quốc tại New York, Bộ trưởng môi trường mới của Nhật Bản, Shinjiro Koizumi, đã cam kết vận động những người trẻ tuổi ở đất nước của mình bằng cách khiến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở nên “hấp dẫn” và “vui vẻ”. Ở tuổi 38, Koizumi, con trai của một cựu thủ tướng, được coi là một ngôi sao đang lên trong chính trị Nhật Bản, nhưng bình luận của ông ở New York (được coi là màn ra mắt ngoại giao trước thế giới) đã vấp phải sự hoài nghi ở quê nhà.

Phần còn lại của chính phủ Nhật Bản, vốn bị chỉ trích bởi các quốc gia khác trước Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vì tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than trong và ngoài nước, dường như không muốn để tâm đến nhận xét của Koizumi. Một bình luận chính thức được nội các của Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt sau đó cho rằng việc sử dụng từ ngữ “hấp dẫn” của Koizumi là rất khó để dịch chính xác sang tiếng Nhật - có lẽ là một cách lịch sự để nói rằng nhận xét đó là vô nghĩa.

Nhưng bất chấp sự phản bác này, Koizumi vẫn tiếp tục: 2019 là năm mà sự bền vững trở nên thịnh hành đối với các công ty Nhật Bản. Vào cuối năm ngoái, 30 công ty Nhật Bản đã trở thành thành viên của RE100 - một nhóm cam kết 100% điện cung cấp cho các hoạt động của họ là từ các nguồn tái tạo. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á và đứng thứ ba trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Tương tự, các công ty Nhật Bản cũng đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu trong việc cam kết hỗ trợ Lực lượng đặc nhiệm về Công bố Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD), với số lượng thành viên trong TCFD tăng hơn năm lần trong năm 2019, lên 230. TCFD yêu cầu các công ty đang hỗ trợ mình tiết lộ các cơ hội và rủi ro liên quan đến khí hậu mà họ gặp phải và kế hoạch của họ để giảm thiểu chúng. 86 công ty Nhật Bản cũng đã cam kết hoặc đặt ra các mục tiêu cho Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBT), là những mục tiêu được các công ty áp dụng để giảm lượng khí thải nhà kính nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C. Tất cả ba nhóm - RE100, TCFD và SBT - đã trở thành các biện pháp quan trọng về tính bền vững của các công ty và là những huy hiệu danh dự cho các công ty đã tham gia cùng họ.

Sự gia tăng quan tâm gần đây về tính bền vững của các công ty ở Nhật Bản là kết quả của một số yếu tố kết hợp với nhau. Thứ nhất, một số lượng lớn các công ty Nhật Bản là các nhà cung cấp cho các công ty công nghệ ở Hoa Kỳ, đây lại là những thành viên ban đầu và những người ủng hộ mạnh mẽ của RE100. Các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Apple, Google và Microsoft đã và đang ngày càng gây áp lực lên các chuỗi cung ứng ở châu Á của họ sử dụng năng lượng tái tạo. Tính đến tháng 1 năm 2020, các nhà cung cấp Nhật Bản đã kiếm được 72,5 tỷ đô la hàng năm từ các thành viên RE100 có trụ sở bên ngoài Nhật Bản, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau các công ty từ Đài Loan. Thứ hai, vào tháng 12 năm 2018, Nhà đầu tư công lớn nhất Nhật Bản, Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ (GPIF), đã trở thành người ủng hộ TCFD, từ đó dẫn đến làn sóng các công ty Nhật Bản khác hưởng ứng. Điều này đạt đến đỉnh điểm vào tháng 6 năm 2019, khi Nhật Bản tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, tạo cơ hội cho chính phủ và các tập đoàn trình bày thông tin về tính bền vững của họ.

Vào đầu năm 2020, các công ty Nhật Bản rõ ràng đã trở nên nổi bật với các cam kết bền vững, nhưng câu hỏi giờ đây là, làm gì bây giờ ? Thật vậy, thực hiện các cam kết và đặt mục tiêu là một chuyện, nhưng thực hiện chúng lại là một chuyện khác. Một cái nhìn về các thành viên RE100 Nhật Bản sẽ minh họa điều này. RE100 yêu cầu các thành viên của mình thiết lập một năm mục tiêu để đạt được cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho các hoạt động của họ. Trong số 30 thành viên Nhật Bản, gần như tất cả trong số họ đã đặt mục tiêu đạt được điều này vào năm 2050, chỉ có một vài công ty đặt mục tiêu tạm thời vào năm 2030 hoặc 2040. Hơn nữa, hầu hết đã công bố kế hoạch mua năng lượng tái tạo cho các hoạt động của họ ở các quốc gia ngoài Nhật Bản , không có bình luận về cách thức (hoặc thời gian) họ sẽ làm điều này trong nước. Ngược lại, hầu hết các thành viên RE100 ở Hoa Kỳ hoặc Châu Âu đang nhắm đến việc đạt được mục tiêu của họ trước năm 2050, với một số công ty đã đạt được mức sử dụng năng lượng tái tạo 100%, hoặc vạch ra một kế hoạch chi tiết về cách thức để đạt được mục tiêu này.

Nhưng sẽ là không công bằng khi đổ lỗi cho các công ty Nhật Bản vì đã đặt ra những mục tiêu xa vời về thời gian và địa điểm. Việc mua bán năng lượng của các công ty vẫn còn khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi ở Nhật Bản và ở hầu hết các nước ở châu Á. Điều này là do quy định - hầu hết các quốc gia ở châu Á đơn giản là không cho phép những người đơn vị tiêu thụ điện lớn đàm phán hợp đồng mua bán điện với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo, hoặc thậm chí chọn nhà cung cấp, hoặc mua nguồn điện nào. Để cho phép các công ty Nhật Bản đạt được mục tiêu của họ, những thay đổi đáng kể đối với các hệ thống điện sẽ phải diễn ra không chỉ ở Nhật Bản, mà trên tất cả các quốc gia nơi các công ty này hoạt động, rất nhiều trong số đó là thị trường mới nổi trên khắp châu Á.

Không chỉ RE100, các yêu cầu công khai của TCFD hoặc các mục tiêu giảm phát thải SBT có thể còn khó đạt được hơn nữa. Những thay đổi đáng kể trong cách các công ty tiết lộ các kế hoạch hoạt động và chiến lược của họ là cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn TCFD – điều này thường có nghĩa là một đánh giá trung thực rằng một công ty có thể chịu các rủi ro liên quan đến khí hậu, bao gồm các tổn thất tài chính lớn. Các nhà đầu tư sẽ không thích việc này, nhưng để công bằng mà nói, rất ít công ty có thể chuẩn bị đầy đủ cho một hiện tượng thời tiết lớn, thứ mà ngày càng có nhiều khả năng xảy ra với nhiệt độ ấm lên. Trong khi đó, các mục tiêu giảm phát thải của SBT liên quan đến toàn bộ lượng phát thải của một công ty chứ không chỉ là mức sử dụng điện. Điều này đòi hỏi một bản đánh giá toàn diện về dấu chân carbon của toàn bộ chuỗi cung ứng hoạt động của công ty, bao gồm các lĩnh vực mà một công ty có thể không trực tiếp kiểm soát. Bất kể một công ty có trụ sở ở đâu, nó có thể sẽ cần phải trải qua một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách thức điều hành và vận hành để đáp ứng các cam kết này. Giống như những gì cải cách thị trường điện ở Trung Quốc hay Ấn Độ đòi hỏi, liệu các công ty Nhật Bản đã thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi này chưa?

Không có gì ngạc nhiên khi các công ty Nhật Bản đã bắt đầu hưởng ứng sự bền vững tại thời điểm mà nhận thức về các vấn đề khí hậu của các chính phủ, công ty và người tiêu dùng trên khắp thế giới ngày càng tăng. Trong khu vực châu Á, các công ty Nhật Bản từ lâu đã là một trong những công ty toàn cầu và hướng tới người tiêu dùng nhất. Họ dựa vào việc hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều công ty đã trở thành những cái tên quen thuộc ở cả những thị trường phát triển và đang phát triển trong nhiều thập kỷ. Kể từ ngày Toyota Corollas hoặc Sony Walkmans lần đầu tiên được bán ra bên ngoài Nhật Bản, xây dựng thương hiệu toàn cầu và chạy theo ưu tiên của người tiêu dùng luôn là ưu tiên chính. Vào đầu năm 2020, tính bền vững giờ đây rất quan trọng đối với người tiêu dùng và việc xây dựng thương hiệu. Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi sẽ xem liệu các công ty đã thực hiện các cam kết này có thể tuân theo với các chiến lược thực hiện thành công hay không và liệu họ có thể truyền cảm hứng cho các công ty khác ở châu Á để hưởng ứng hay không.

Giống như các đồng nghiệp Nhật Bản của họ lần đầu tiên cố gắng thực hiện cách đây 30 hoặc 40 năm, các công ty Trung Quốc hiện đang tìm cách xây dựng các thương hiệu toàn cầu và doanh nghiệp quốc tế. Cho đến nay, họ đã phải đối mặt với những “cơn gió ngược” lớn - một môi trường thương mại ngày càng bất lợi và thêm vào đó là một chút căng thẳng địa chính trị - không hoàn toàn khác biệt so với những gì các tập đoàn Nhật Bản phải đối mặt trong những năm 1970 hoặc 1980. Nhưng sự bền vững xuyên biên giới và để đạt được một thế giới tăng dưới 2 độ C, mọi công ty ở mọi nơi đều phải áp dụng những mục tiêu này. Có lẽ điều này chính là một cơ hội độc nhất để xây dựng một thương hiệu toàn cầu mới.

Nguồn: BloombergNEF

Người dịch: Mạnh Thắng