Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Khóa đào tạo Giảng viên nguồn về Năng lượng bền vững

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

Trên hành trình tô Xanh Triệu ngôi nhà Việt, GreenID Việt Nam luôn mong muốn trở thành cầu nối  cho các hạt nhân tiên phong từ khắp mọi miền đất nước cùng mang thông điệp Chia sẻ và Lan tỏa tương tai Xanh đi xa. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng: Không có nguồn lực nào bền vững bằng chính nguồn lực nội lực từ cộng đồng!

Trên hành trình tô Xanh Triệu ngôi nhà Việt, GreenID Việt Nam luôn mong muốn trở thành cầu nối cho các hạt nhân tiên phong từ khắp mọi miền đất nước, cùng mang thông điệp "Chia sẻ và Lan tỏa tương tai Xanh" đi xa. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng: Không có nguồn lực nào bền vững bằng chính nguồn lực nội lực từ cộng đồng!

Từ ngày 09/09 -14/09/2018, tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Tập huấn “Giảng viên cộng đồng về Năng lượng bền vững” – Khóa đào tạo giảng viên nguồn nâng cao về Năng lượng tái tạo và Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả được tổ chức nhằm chọn lựa 5-10 học viên xuất sắc tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông để lan tỏa các kiến thức về Năng lượng bền vững. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp địa phương về các giải pháp Năng lượng tái tạo và Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả năng lượng”, được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu.

Khóa đào tạo được thiết kế trọn vẹn trong 5 ngày xoay quanh các nội dung “Truyền thông cộng đồng về Năng lượng bền vững”, nhằm trau rồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ cho 26 học viên đến từ 12 tỉnh thành trải dài từ Tây Bắc đến đất mũi Cà Mau. Không chỉ vậy, khóa học còn có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và truyền thông đào tạo như Ông Trần Tiến Đức – Giám đốc Chương trình GreenID Vietnam, chị Võ Thị Xuân Quyên – Điều phối dự án GreenID Vietnam, anh Nguyễn Trung Tín và chị Nguyễn Thị Quyên – Cán bộ kỹ thuật về mô hình Năng lượng bền vững, GreenID Vietnam…

Về kiến thức, khóa tập huấn đã cho các học viên một cái nhìn tổng quan xuyên suốt về Năng lượng bền vững cùng những tác động tích cực trong lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất, xã hội… Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, học viên được lắng nghe và trải nghiệm hỏi đáp, sử dụng thử qua hình thức giảng dạy tăng cường sự tham gia – world café và mô hình trực quan sinh động. Phương pháp giảng dạy này không chỉ giúp thúc đẩy sự tham gia của người học với tư cách là học viên, mà còn cho phép học viên trải nghiệm ứng dụng các phương pháp đào tạo/ truyền thông tạo sự tham gia với tâm thế của người giảng viên tại cộng đồng địa phương. Các lý thuyết về đặc điểm tiếp cận thông tin của người lớn cũng được thầy Trần Tiến Đức truyền đạt khéo léo qua các trò chơi tương tác, hình tượng hóa, sơ đồ hóa các thông điệp…Hiểu về tâm lý, hành vi người trưởng thành để rồi nắm bắt được các kỹ thuật tổ chức, thiết kế buổi truyền thông đào tạo, những bản kế hoạch đào tạo nhỏ cuối khóa chính là thành quả không hề nhỏ của những nỗ lực, tập trung và say mê của cả lớp học cùng hướng đến Năng lượng bền vững.

Trong suốt 3 ngày sau của khóa học, các học viên được đi sâu tìm hiểu và trải nghiệm 02 nhóm kỹ năng tiêu biểu cần có của giảng viên truyền thông/ đào tạo tại cộng đồng: Nhóm kỹ năng trình bày (Kỹ năng sử dụng thiết bị - văn phòng phẩm cơ bản, Kỹ năng đứng trước đám đông, Nói – viết – thuyết trình) và Nhóm kỹ năng điều hành (Kỹ năng sử dụng câu hỏi, Lắng nghe, Khuyến khích- động viên). Để truyền tải những nội dung khó nhằn và mang đậm tính kỹ thuật ấy cho các học viên với độ tuổi chênh lệch từ 22 đến 65, với các ngành nghề đa dạng không kém: cán bộ địa phương, NGOs, giảng viên các trường đại học, anh thợ điện, kỹ thuật viên cả các địa bàn...; đội ngũ giảng viên của GreenID đã không ngừng trăn trở, lắng nghe các đóng góp để đa dạng hóa kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho phù hợp nhất.

Khi chúng ta cùng trăn trở, tập trung toàn bộ tâm sức và không ngừng đặt câu hỏi cho hướng đi hiệu quả, chúng ta sẽ tìm ra phần nào đáp án. Rằng Giáo dục cho Giáo dục là công việc khó nhằn, song khi đã chọn làm và tiến hành làm, sẽ luôn mang lại những giá trị đích thực. Việc thúc đẩy nhóm học tập các kỹ năng với độ đa dạng cao về tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội và giới, chính là điều các giảng viên tương lai cần trau dồi, và được trải nghiệm thực tế trong khóa đào tạo với vai trò học viên tiên phong!

 

Nghiêm túc, chia sẻ, bình đẳng và cầu tiến là những điều mà bất cứ học viên trải qua những ngày học vừa qua đều cảm nhận được từ không khí lớp học. Mỗi ngày 8 tiếng học tập không thiếu một ai, nội quy lớp về đi muộn, về chuông điện thoại reo trong giờ học… đều là những quy định do chính các học viên cùng nhau xây dựng và đồng thuận. Tinh thần học hỏi tích cực và hết mình qua mỗi ngày đã truyền cho GreenID – những người tổ chức chương trình một động lực vô cùng to lớn. Tiếp cận tri thức bằng tinh thần cầu thị, góp ý cùng chuyên gia với tinh thần khẳng khái, chân thành chia sẻ… Chính các anh chị đều đã trở thành người giảng viên chính trong khóa tập huấn này, làm nên những thành công trọn vẹn của dự án. GreenID không mang tri thức đến để “dạy dỗ” ai, mà chỉ đơn thuần tạo ra một không gian học tập đề cao tính phản biện cùng chia sẻ những giá trị chung. Ở lớp học của GreenID, người học luôn trở thành trung tâm của sự học, và dường như không còn rào cản gì nữa, mọi thứ đến một cách tự nhiên, hòa mình vào không gian học tập sôi nổi bằng cả tấm lòng.

“Học hết mình, chơi hết sức” dường như đã trở thành khẩu hiệu của lớp tập huấn đáng yêu này. Mỗi con người một tính cách, song luôn chân ái cởi mở với nhau, chẳng ngại ngần sẻ chia cho nhau những nụ cười, khi hài ước hóm hỉnh, khi động viên khích lệ, khi lắng đọng cảm xúc. Những câu hát điệu hò câu đố đặc trưng từ các miền đất đậm đà bản sắc văn hóa đã được phổ vào bài học, những hội thi… Có chăng cái tình với quê hương, cái nghĩa với nguồn cội chính là điểm kết nối đẹp đẽ nhất giữa giảng viên và học viên? Những bữa cơm ngon, những giờ phút được cùng nhau khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ trong sương nơi Tam Đảo chính là lúc cả lớp được gắn kết, thân thiết hơn, rào cản ngôn ngữ, trình độ, tuổi tác và giới được xóa nhòa. Gợi mở ra không gian để đáp ứng nhu cầu “xã hội” cho từng cá nhân nhằm xóa bỏ những rào cản chính là điều mà GreenID lồng ghép vào chương trình giảng dạy, và đã thực sự cảm động khi mọi điều diễn ra thật tự nhiên, nhiều yêu thương đến thế!

Những lá thư chúng tôi nắn nót từng nét bút gửi tặng cho nhau trong ngày cuối cùng, đêm Gala màu sắc nghê thuật đa phương, lời hẹn gặp lại trong đợt tập huấn tiếp theo tại Đăk Lăk (trong tháng 10/ 2018 sắp tới)… đã làm nên một buổi chia tay nhiều xúc cảm. Lời cảm ơn và yêu thương nhau chưa bao giờ là đủ, và thật tuyệt vời khi nó đến từ mọi miền đất nước, từ những “người lớn”  có chăng trong cuộc sống thường nhật đã quên mất cách nói lời yêu thương, từ những giá trị tốt đẹp hướng đến cộng đồng Xanh đã cho chúng ta có duyên gặp mặt.

Cảm ơn 29 thành viên của khóa tập huấn Đào tạo Giảng viên nguồn về Năng lượng bền vững vì những nhiệt huyết, chân thành, nỗ lực và trách nghiệm của các anh chị trong những ngày vừa qua. Nhiệm vụ tiếp theo tại Đăk Lăk sẽ gian nan hơn, sẽ khó nhằn hơn, nhưng GreenID luôn tin tưởng và sự đồng hành và kết nối của các anh chị, dù bằng cách này hay cách khác!