Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Kiến nghị góp ý cho Dự thảo Thông tư /2020/TT-BCT Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời

  |   Viết bởi : GreenID

Thư Kiến nghị

Kính gửi:

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương

Ban soạn thảo Thông tư, Bộ Công Thương

Ban khoa học, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) là một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập dưới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) theo quyết định số 840/QD-LHH ngày 27/12/2011. GreenID hoạt động để góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam. Từ năm 2018, GreenID đã khởi xướng chương trình Triệu Ngôi Nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng và đang tích cực hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình để triển khai giải pháp điện mặt trời mái nhà theo tinh thần khuyến khích của Chính phủ.

GreenID nhận thấy việc ban hành Thông tư là vô cùng cần thiết và ỦNG HỘ nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc xây dựng và tổ chức lấy tham vấn ý kiến chuyên gia, các đơn vị cung cấp giải pháp và hộ gia đình đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà và đăng ký nối lưới mua bán điện cho Dự thảo “Thông tư Quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời”. Để góp ý cho Thông tư này, Chúng tôi đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của khoảng 120 đại biểu gồm các chuyên gia và doanh nghiệp, người tiêu dùng điện về thực hiện FIT2 cho điện mặt trời, đồng thời nghiên cứu các tài liệu đăng trên Cổng thông tin điện tử của Quý Bộ và tiếp nhận và tổng hợp ý kiến đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp thành viên và đối tác của Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam cho Dự thảo này. Dưới đây là một số đề xuất gửi tới Ban soạn thảo Thông tư và Quý Bộ:

Đề xuất 1: Hiện tại, bên bán điện tại một số nơi đang theo hình thức Hợp tác xã, hoặc công ty quản lý khu đô thị, bán điện lại cho hộ gia đình. Những khách hàng trong diện quản lý của HTX, BQL Khu đô thị, đều không được bán điện với bên HTX, BQL. Do đó, Bộ Công Thương cần bổ sung quy định, chế tài rõ ràng để bên thứ ba mua lại điện từ người dân sản xuất ra. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có thể xem xét cơ chế cho các công ty phân phối điện (không phải EVN) và các hợp tác xã điện lực thực hiện đấu nối hòa lưới cho người dân như EVN đang làm.

Đề xuất 2: Theo điểm C, khoản 2, điều 4 trong thông tư: “Có các thiết bị kết nối với hệ thống SCADA hoặc thông tin điều độ để thông tin dự báo về sản lượng điện phát theo giờ đến cơ quan Điều độ có quyền điều khiển”, Bộ Công Thương cần quy định rõ những hệ thống có công suất từ bao nhiêu kWp trở lên thì áp dụng. Với công suất nhỏ dưới 100kWp, 200kWp, nếu áp dụng sẽ gây nhiễu thông tin và khó khăn trong việc quản lý.

Đề xuất 3: Điểm b, khoản 2, điều 6. Các công ty Điện lực cần công khai và cập nhật thường xuyên công suất được thiết kế cho điện mặt trời của từng trạm biến áp/ hệ thống điện khu vực để khách hàng/ nhà đầu tư được biết để đầu tư phù hợp.

Đề xuất 4: Thời gian hiệu lực của QĐ 13/2020/ QĐ-TTg có bất cập như sau: thời gian hiệu lực của quyết định là 22/05/2020 và hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, thời gian này quá ngắn để các doanh nghiệp và người dân triển khai lắp đặt và thấy được lợi ích của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương kéo dài thời gian của giá FiT2 để khuyến khích thêm nhiều nữa những công trình năng lượng sạch, hoặc chia FiT giới hạn theo công suất hệ thống, dưới 100kWp và từ 100kWp lên 999kWp, để khuyến khích hộ gia đình lắp đặt.

Đề xuất 5: Rút gọn thủ tục và rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng khi lắp đặt công tơ hai chiều, đồng thời tạo điều kiện để đơn vị thi công được ủy quyền khi nộp hồ sơ cho khách hàng. Đẩy nhanh thời gian khảo sát nghiệm thu của tổ đội để việc thực thi lắp đặt công tơ hai chiều được nhanh và thuận tiện hơn.

Đề xuất 6: Đồng nhất các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hệ thống điện mặt trời nối lưới của các công ty điện lực và điện lực địa phương. Hiện nay mỗi quận, huyện đang quy định các loại giấy tờ, thủ tục khác nhau (Ngoài những giấy tờ cơ bản được yêu cầu gồm có: CO, CQ của thiết bị; Biên bản kiểm định của đơn vị thứ 3; Giấy đề nghị bán điện từ hệ thống điện mặt trời áp mái, ở những khu vực khác nhau lại yêu cầu thêm những loại giấy tờ khác nhau, có thể là Sơ đồ dây dẫn, Bản vẽ lắp đặt hoặc Hướng dẫn sử dụng của hệ thống), gây khó khăn cho các hộ gia đình trong việc làm thủ tục bởi bản thân họ cũng không hiểu rõ về loại hình năng lượng mới này.

Đề xuất 7: Đề xuất một số thủ tục được đăng ký trực tuyến trên cổng thông tin của EVN góp phần giảm thời gian di chuyển để nộp hồ sơ của các đơn vị và hộ gia đình.

Đề xuất 8: Việc trao đổi thông tin giữa điện lực địa phương và chủ hộ phải được thực hiện bằng văn bản trong thời gian quy định. Hiện nay, có một vài trường hợp điện lực địa phương từ chối hoặc trì hoãn việc lắp đặt công tơ hai chiều do không phù hợp với những đặc tính, yêu cầu về thông số kỹ thuật tại địa bàn đó. Nếu không phù hợp thì điện lực địa phương phải từ chối bằng văn bản, thể hiện rõ lí do tại sao từ chối dựa trên các yêu cầu về kỹ thuật của Thông tư để có phương án lắp đặt phù hợp.

            Hiện tại vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình quan tâm và mong muốn đóng góp ý kiến cho Thông tư, rất mong tới đây GreenID cùng các đơn vị có liên quan sẽ có cơ hội để trực tiếp trao đổi với ban soạn thảo. Đồng thời rất mong Quý Bộ đẩy nhanh tiến độ ban hành Thông tư hướng dẫn để các bên tham gia có cơ sở thực hiện các dự án.

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Quý cơ quan về những nội dung góp ý và lộ trình tiếp theo của quá trình xây dựng và ban hành Thông tư.