Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Kiến nghị góp ý cho Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

  |   Viết bởi :

THƯ KIẾN NGHỊ Kính gửi: Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương Ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu ...

THƯ KIẾN NGHỊ

Kính gửi:

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương

Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương

Ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than

Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) gồm 25 thành viên là các tổ chức khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, môi trường, truyền thông và giáo dục cộng đồng vì mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và khu vực Mekong. Trong những năm qua VSEA đã tích cực tham gia góp ý xây dựng cho các chính sách như Luật Điện lực 2012, Quy hoạch Điện VII điều chỉnh 2016, Luật Bảo vệ môi trường 2020, và Quy hoạch Điện VIII, vv và nhận được phản hồi tích cực từ phía các cơ quan hữu qu­­an. Ngày 11/12/2020 vừa qua, Bộ công thương đã đăng tải Bản dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên trang thông tin chính thức của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. VSEA đã nghiên cứu bản thảo và tổ chức hội thảo khoa học với các chuyên gia để tổng hợp ý kiến đóng góp cho bản dự thảo nêu trên. Chúng tôi kính gửi tới lãnh đạo Quý Bộ một số nhận định và ý kiến đề xuất của VSEA như sau:

  1. Những ưu điểm của bản dự thảo quy hoạch:
  1. Đây là bản quy hoạch năng lượng đầu tiên mang tính chất tổng thể và có tính định hướng cho các quy hoạch năng lượng thành phần như than, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận và hoan nghênh của cơ quan lập quy hoạch. Bản dự thảo quy hoạch tổng thể đã khắc phục được nhiều tồn tại của các quy hoạch phân ngành trước đây. Không chỉ chú ý đến yếu tố phát triển năng lượng (đủ và tin cậy) mà còn chú ý nhiều mặt khác như: yếu tố môi trường, yếu tố biến đổi khí hậu, yếu tố giá cả, yếu tố thị trường, yếu tố tiết kiệm và hiệu quả, yếu tố kết hợp trong và ngoài nước…Đặc biệt kỳ này quy hoạch tổng thể đã bám sát các định hướng, chính sách về năng lượng với các chỉ tiêu định hướng trung và dài hạn của Đảng và nhà nước như Nghị quyết 55 của Bộ chính trị, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến 2050. Quy hoạch bám sát với tình hình thực tế và tính khả thi cao hơn.
  2. Về phương pháp tính toán cân bằng năng lượng: phương pháp tổng quát là phương pháp tính toán chung của các nước về quy hoạch tổng thể dựa trên đánh giá thực tại của quốc gia tại thời điểm quy hoạch, đánh giá được đúng tiềm năng sơ cấp của quốc gia, tính toán được nhu cầu thực tế về năng lượng và năng lượng cho từng ngành cụ thể từng giai đoạn tính toán cân bằng để ra được chi phí thấp nhất của hệ thống. Trong quy hoạch này đã ứng dụng mô hình tối ưu, đưa ra so sánh 5 phương án cho vào mô hình tính toán chung của quy hoạch tổng thể và 11 phương án cho quy hoạch phân ngành điện. Đó là phương pháp tính toán hiện đại, đáng tin cậy. Vấn đề chủ yếu và quan trọng nhất là yếu tố đầu vào mô hình có đúng không, có chính xác không. Điều này sẽ được phân tích ở phần dưới đây.
  1. Đề xuất, kiến nghị của VSEA
  1. Quy hoạch vẫn dựa theo tư duy cổ điển với hệ thống năng lượng kiểu truyền thống, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, hệ thống năng lượng hiện đại của thế giới dựa vào 4 trụ cột: i) Giảm phát thải (Decarbonization); ii) Phi tập trung (Decentralization); iii) Chuyển đổi số (Digitalization) và iv) Điện khí hóa (Electrification). Tư duy mới này cần được sử dụng làm kim chỉ nam xuyên suốt quy hoạch để nắm bắt kịp với xu thế thời đại.
  2. Tốc độ tăng trưởng GDP được sử dụng trong dự báo của Quy hoạch hiện chưa tính tới tác động của Covid 19. VSEA kiến nghị Quy hoạch cần xem xét kỹ tác động trên để đảm bảo việc dự báo nhu cầu năng lượng bám sát thực tế có nhiều biến động, tránh nguy cơ dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng chưa cần thiết.
  3. Giảm tối đa nhập khẩu năng lượng sơ cấp, đặc biệt là nhập khẩu than thay vào đó, cần khai thác tối đa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để hướng tới mục tiêu Việt Nam trở lại thành nước xuất khẩu năng lượng trong tương lai. Về nguồn tiềm năng khí nội địa, cần bổ sung tiềm năng của hai mỏ Kèn Bầu và Khánh Hòa vào nguồn cung năng lượng sơ cấp. Đây là hai mỏ mới thăm dò được trong năm 2020 nhưng hiện chưa được đưa vào xem xét trong bản dự thảo quy hoạch. Tiềm năng kỹ thuật của năng lượng tái tạo trong nước được xác định rất lớn, có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế, xã hội, việc làm nhưng tỷ lệ sử dụng trong quy hoạch còn rất nhỏ. Năng lượng tái tạo Ngoài phát điện nên được thúc đẩy ứng dụng vào các ngành khác như công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, dân dụng. Riêng đối với năng lượng khí sinh học, cần xác định mục tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn để khai thác nguồn tiềm năng này.
  4. Để tạo đột phá cho phát triển năng lượng tái tạo, quy hoạch cần bổ sung đánh giá tiềm năng và đưa vào sử dụng các dạng lưu trữ năng lượng. Pin lưu trữ, đặc biệt pin Li-ion và Hydrogen được sản xuất bằng điện tái tạo với chi phí đang tiếp tục giảm dự kiến ​​sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới, có thể thay đổi tỷ lệ các dạng năng lượng trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Nhiều quốc gia trong khu vực đã có chính sách phát triển kinh tế Hydro. Việt Nam cần nghiên cứu đánh giá tiềm năng của loại hình này để đón đầu xu thế.
  5. Quy hoạch đang xác định ngành than vẫn giữ vai trò quyết định trong phát triển năng lượng quốc gia nhưng trong thực tế tiềm năng khai thác than trong nước không còn nhiều, phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng lên. Trong lúc đó, ngành than toàn cầu đang trong xu thế thoái trào. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần định vị lại vị trí của ngành than trong tương lai từ đó đưa ra hướng đi đúng đắn nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động của ngành này.
  6. Về thị trường và giá năng lượng, hiện quy hoạch mới chỉ đưa ra thị trường cho ngành điện. Quy hoạch cần có thị trường năng lượng đồng bộ giữa các ngành với thời điểm và lộ trình bắt buộc. Trên cơ sở có lộ trình về thị trường năng lượng, quy hoạch cần yêu cầu đề ra các chính sách và cơ chế cụ thể để triển khai. Tương tự, đối với giá năng lượng cũng cần phải đưa ra tính toán cụ thể cho từng giai đoạn đi kèm đánh giá tác động tới nền kinh tế từ đó có phương án đảm bảo an sinh xã hội. Đây là yếu tố quyết định tính khả thi của quy hoạch.
  7. Về huy động vốn, hiện các kênh huy động vốn được đưa ra còn chung chung, thậm chí có những nguồn khả năng huy động được rất thấp. Nhu cầu vốn của quy hoạch mỗi năm rất lớn, vì vậy VSEA kiến nghị cần có kịch bản huy động vốn đi kèm biện pháp cụ thể cho từng giai đoạn để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.
  8. Bản thảo quy hoạch mới chỉ ước tính chi phí đầu tư, mà chưa nêu ra được lợi ích kinh tế - xã hội của kịch bản được chọn. Những yếu tố nên được xem xét bao gồm: lượng hóa bằng tiền lợi ích kinh tế, số việc làm mới tạo ra, yêu cầu và đánh giá về nguồn nhân lực, yêu cầu về chuỗi cung ứng (sản xuất – lắp đặt – vận hành – bảo dưỡng – khai thác/cung cấp nhiên liệu – dịch vụ tài chính – thị trường tài chính).

Trên đây là một số nhận định và kiến nghị góp ý của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn các ý kiến đóng góp này sẽ được nghiêm túc xem xét và tiếp thu trong bản Quy hoạch cuối cùng. Để luận giải cho các kiến nghị, chúng tôi xin gửi kèm Phụ lục phân tích chi tiết các kiến nghị để quý cơ quan tiện theo dõi.

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Quý cơ quan về những nội dung góp ý và lộ trình tiếp theo của quá trình xây dựng Quy hoạch trong thời hạn 10 ngày tới.

Trân trọng!

Xem toàn văn thư kiến nghị tại: http://www.greenidvietnam.org.vn/view-document/5ffd00ab2ac5db077c8b4567