Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Kiến nghị góp ý Quy hoạch điện VIII

  |   Viết bởi :

Kiến nghị của Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) góp ý cho Quy hoạch điện VIII.

THƯ KIẾN NGHỊ

Kính gửi:

Ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương

Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) gồm các tổ chức khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, môi trường, y tế, truyền thông. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII) do Bộ Công thương chủ trì. Vì vậy, ngày 28/09/2020 chúng tôi đã gửi thư kiến nghị tới Quý Bộ để góp ý cho bản sơ thảo của QHĐ VIII.Ngày 22/2/2021 bản dự thảo QHĐ VIII đã được đăng tải trên website của Bộ Công thương cùng công văn lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành. Sau khi nghiên cứu bản dự thảo, chúng tôi trân trọng gửi tới Quý Bộ một số nhận định và kiến nghị sau đây.

1. Dự thảo cho thấy xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tuy nhiên trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh – bổ sung khoảng 17 GW điện than mới vào hệ thống như hình dưới đây:

Chúng tôi đề nghị cần xem xét tính phù hợp, khả thi và hệ lụy của kế hoạch tiếp tục phát triển điện than mới trên các khía cạnh sau:

- Bài học phát triển nhiệt điện than ở giai đoạn trước (2016-2020) cho thấy loại hình này gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn, người dân và chính quyền địa phương không ủng hộ,… dẫn tới chỉ đạt được khoảng 57,6% kế hoạch theo QHĐ VII điều chỉnh. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chỉ có khoảng 7 GW điện than vào vận hành, trong đó riêng năm 2020 chỉ có duy nhất 1 tổ máy (0,6 GW) vào vận hành. Những khó khăn này sẽ tiếp tục trong tương lai, dẫn tới nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ của các dự án điện than.[1]

- 86% công suất nguồn than mới phải sử dụng nhiên liệu nhập khẩu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung bên ngoài, trong khi khả năng nhập khẩu từ các nguồn đang được xác định trong dự thảo dự báo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.[2]

- Các nhà máy điện than mới với công nghệ cao hơn không giải quyết được triệt để vấn đề môi trường, đồng thời khiến loại hình này trở nên đắt đỏ hơn so với phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.[3]

- Tiếp tục phát triển điện than mới sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Để đạt được mục tiêu này thời hạn muộn nhất phải đóng cửa tất cả các nhà máy điện than trên toàn cầu là năm 2040.[4] Các nhà máy điện than như dự thảo hiện tại sẽ tiếp tục vận hành ít nhất tới năm 2050, thậm chí tới 2070.

- Theo kịch bản chọn trong dự thảo QHĐ VIII, với cơ cấu nguồn điện đề xuất thì tổng lượng phát thải bụi ô nhiễm tăng liên tục từ 9,5 nghìn tấn vào năm 2020 tới trên 42 nghìn tấn năm 2035 (tăng khoảng 4 lần). Lượng phát thải này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí, tác động đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Lượng phát thải này được xác định chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than có trong quy hoạch và đã được tính toán thành chi phí. So sánh từng nguồn nhiên liệu riêng biệt cho thấy chi phí thiệt hại liên quan đến than là cao hơn cả và có tốc độ tăng nhanh chóng theo tốc độ tăng của nguồn điện này.[5] 

    Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) đánh giá tác động của các nhà máy nhiệt điện than ở 10 địa phương dự kiến bổ sung các dự án mới theo dự thảo QHĐ VIII, và tác động tới các địa phương trên cả nước. Nghiên cứu chỉ ra nếu 16 dự án điện than mới (với tổng công suất khoảng 22GW) được xây dựng và vận hành theo dự thảo QHĐ VIII, những dự án này sẽ gây ra gần 1000 ca tử vong sớm ở Việt Nam. Tổn thất kinh tế cho xã hội do chi phí y tế, giảm năng suất lao động và tuổi thọ ước tính vào khoảng 270 triệu USD hàng năm. Tính theo vòng đời 30 năm của những dự án này, tổng số ca tử vong sớm ước tính khoảng 46.000. Tổn thất kinh tế cộng dồn sau 30 năm lên tới 8 tỷ USD.[6]

    Ngoài ra, dự thảo cũng chỉ rõ phát tán bụi gây ô nhiễm không chỉ riêng tại địa phương có nhà máy mà có tính phát tán theo vùng (ví dụ như việc Hà Nội hứng chịu bụi từ các nhà máy tại khu vực Đông Bắc Bộ).[7] Nghiên cứu nêu trên của Trung tâm CREA cũng chỉ ra rằng các địa phương có nhà máy chỉ chịu ảnh hưởng khoảng 7%, khoảng 93% tác động của những nhà máy này rơi vào các tỉnh/thành lân cận trên cả nước. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, và Bình Dương là những địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất. [8]

- Ở những tỉnh có nhiệt điện than như (Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương…) do ô nhiễm môi trường khiến cho nhân dân khiếu kiện, biểu tình kéo dài, từ đó xuất hiện mâu thuẫn nội bộ.

2. Năng lượng tái tạo chưa được chú trọng phát triển trong 10 năm tới và cũng chưa thể hiện được sự đột phá

2.1. Tổng công suất năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) được huy động vào cơ cấu nguồn rất thấp so với tiềm năng: chỉ khoảng 4-5% vào năm 2030, và 13-16% vào năm 2045

2.2. Một số loại hình năng lượng tái tạo có lợi thế về giá thành ngày càng giảm[9] và giải pháp đột phá không được huy động trong 10 năm tới, cụ thể:

- Điện mặt trời: phát triển rất ít, chỉ có khoảng 2 GW điện mặt trời được đưa vào vận hành

- Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp: không được xem xét và có cơ chế khuyến khích phát triển

- Điện gió ngoài khơi: chưa được đưa vào trong giai đoạn 2021-2025

- Pin tích năng: chưa được đưa vào trong giai đoạn này

3. Giải pháp thực hiện quy hoạch

- Chưa có phương án huy động vốn cụ thể

- Để thu xếp được khoảng 13 tỷ USD/năm, theo tính toán của chuyên gia khả năng thu xếp của tập đoàn trong nước vào khoảng 3 tỷ USD/năm. 77% còn lại phải huy động từ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và hộ dân trong nước. Trong bối cảnh các chính phủ, chủ đầu tư, tổ chức tài chính và phi tài chính đang thoái vốn khỏi điện than, doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ tiềm lực đầu tư cho các dự án lớn, tính khả thi huy động vốn cho phát triển điện than là rất thấp, hoặc rủi ro cao khi phụ thuộc vào một nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc.[10] Điều này là chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị. Trong khi đó, điện mặt trời là loại hình phân tán, có thể phát triển ở quy mô nhỏ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực xã hội. Ngoài ra chuyển dịch đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu hướng chung trên toàn cầu, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này.

- Đề xuất xem xét cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án BOT là không hợp lý:  Mặc dù trần nợ công của Việt Nam đã giảm tuy nhiên cân đối vĩ mô của quốc gia còn yếu, ví dụ như chưa có đủ ngân sách dự phòng cho các vấn đề thiên tai, cân đối cán cân xuất-nhập khẩu, các dự án nghìn tỷ sai phạm chưa giải quyết được…. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid còn đang tiếp diễn, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Đây là những ưu tiên của chính phủ cần đầu tư nguồn lực thay vì dự phòng ngân sách bảo lãnh cho các dự án điện BOT đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

4. Một số thông tin và dữ liệu trong bản thuyết minh và phụ lục không thống nhất. Cụ thể công suất điện than vào năm 2030 trong phụ lục số 9.5A (trang 61-62) cao hơn khoảng 7GW so với công suất của loại hình này trong báo cáo thuyết minh (trang 831-832). Ngoài ra, đề xuất với các dự án Hải Phòng 3, Quảng Ninh 3, Quỳnh Lập 1&2 không thống nhất giữa phần kết luận trong báo cáo thuyết minh (trang 834) và phụ lục số 9.5A. Chúng tôi đề nghị Bộ Công thương rà soát lại và giải thích những nội dung này.

Căn cứ Luật Quy hoạch, Luật Tiếp Công dân và từ những phân tích trên chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Quý cơ quan về những nội dung góp ý trong 10 ngày tới.

Trân trọng./.

--------------------------------------------------------------------------------------

Thông tin liên hệ:

Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)

Địa chỉ liên hệ gửi về: Nhà C1X3, ngõ 6 Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Chị Nguyễn Thị Hằng – Điều phối VSEA    

Điện thoại: 098 4649 567 | Email: nthang@greenidvietnam.org.vn


[1] Báo cáo Thuyết minh Dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trang 90-94

[2] Báo cáo Thuyết minh Dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trang 135.

Một số quốc gia đang được xác định là nguồn nhập than của Việt Nam gồm: Úc, Indonesia, Nga, Nam Phi. Tuy nhiên khả năng nhập khẩu lượng than lớn và lâu dài từ những quốc gia này đều khó khăn. Đối với Úc và Indonesia, thị trường này đã được phân chia và thị phần được nắm giữ bởi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, và Ấn Độ. Đối với Nam Phi, nước này không có chính sách rõ ràng về xuất khẩu than và cơ sở hạ tầng cũng rất nghèo nàn. Đối với Nga, môi trường đầu tư rất phức tạp, đồng thời khu vực khai thác cách xa các cảng biển do đó chi phí vận chuyển tại khá đắt đỏ, hệ thống đường ray vận chuyển ít nên hạn chế khả năng mở rộng xuất khẩu.

[3] GreenID. Khuyến nghị chính sách “Giảm ô nhiễm không khí không thể trông chờ vào công nghệ than sạch”. 2020. Truy cập tại: https://bit.ly/2Pp2A67

[5] Báo cáo Thuyết minh Dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trang 766-772

[6] “Nghiên cứu về ô nhiễm không khí, các chất độc hại và tác động sức khỏe của các dự án điện than mới trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII” do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) thực hiện trong tháng 3 năm 2021.

[7] Báo cáo Thuyết minh Dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trang 766-772

[8] “Nghiên cứu về ô nhiễm không khí, các chất độc hại và tác động sức khỏe của các dự án điện than mới trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII” do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) thực hiện trong tháng 3 năm 2021.

[9] Báo cáo Thuyết minh Dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trang 309 – 323.

[10] - Viện Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng (IEFFA). Cơ sở dữ liệu các quỹ quản lý vốn thoái vốn khỏi than. Truy cập tại: https://bit.ly/302cSuR

- Viện Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng (IEFFA). Cơ sở dữ liệu các tổ chức tài chính thắt chặt đầu tư cho điện than. Truy cập tại https://bit.ly/3uIQ1Te

- Phong trào 350.org. Cam kết thoái vốn của các tổ chức phi tài chính. Truy cập tại: https://bit.ly/3sORIwX

- GreenID. Tổng hợp tình hình thoái vốn khỏi nhiệt điện than. 2020. Truy cập tại: https://bit.ly/3uGVmdT

- GreenID. Nghiên cứu “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: Góc nhìn tài chính”. 2017. Truy cập tại: https://bit.ly/2ZYi5Uq