Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Năng lượng bền vững cho người dân

  |   Viết bởi : Thanh Phương

8:30 AM

 

CMO) Những ngày họp thường kỳ, chị em hội viên phụ nữ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh không chỉ bàn đến câu chuyện sinh hoạt hội mà còn chia sẻ cách làm bếp bằng củi cải tiến ít khói ra sao, xây hầm biogas tận dụng chất thải trong chăn nuôi heo như thế nào… Từ kiến thức đến thực tiễn mà chị em có được xuất phát từ Dự án “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững tại tỉnh Cà Mau để góp phần quản trị tốt nguồn tài nguyên nước khu vực Mê Kông” do Oxfam Australia tài trợ.

Con trai bà Ngô Thị Cúc (67 tuổi, Ấp 5, xã Nguyễn Phích) đang làm 3 bếp củi cải tiến ít khói cho gia đình và bà con trong xóm. Sau khi đi sinh hoạt hội, nghe chị em tuyên truyền, bà thấy được lợi ích của việc sử dụng năng lượng bền vững nên bắt tay vào thực hiện ngay.
Bà Cúc chia sẻ: "Cây cối trong vườn rất nhiều nên nhà nào cũng xài bếp củi. Thế nhưng, trước đây mua bếp củi có sẵn ngoài chợ khoảng 30.000 đồng về sử dụng cao lắm vài tháng là hư hỏng nên tốn kém lắm. Bếp củi cải tiến lắp đặt chỉ khoảng 300.000 đồng nhưng sử dụng đến 5, 6 năm. Rồi chăn nuôi heo làm hầm biogas vừa vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được khí thải làm chất đốt, tiết kiệm lắm nên trong xóm nhà nào cũng bắt tay thực hiện".




Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo Dự án “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững tại tỉnh Cà Mau để góp phần quản trị tốt nguồn tài nguyên nước khu vực Mê Kông”.

Tuy nhà ít người nhưng gia đình bà Quách Hồng Thắm (Ấp 2, xã Nguyễn Phích) vẫn lắp đặt bếp củi cải tiến ít khói. Bà bảo, cây lá trong vườn nhiều nên tận dụng làm chất đốt vừa vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm chi tiêu, lợi cả đôi đường.
Qua hơn 3 năm triển khai Dự án “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững tại tỉnh Cà Mau để góp phần quản trị tốt nguồn tài nguyên nước khu vực Mê Kông” đã mang lại những lợi ích rõ rệt về môi trường, kinh tế cho người dân trong xã. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Võ Văn Liêu, hơn 400 hộ dân tham gia lắp đặt biogas, làm bếp củi cải tiến, sử dụng đèn Led năng lượng mặt trời, thùng ủ rác hữu cơ... góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Đó cũng là những kỹ năng giúp mọi người có thể sống tốt, sống khoẻ trước những thách thức của biến đổi khí hậu.

Lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP) là phương pháp tiếp cận mới, mang tính tích hợp và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ trong việc xây dựng và thực hiện bản kế hoạch năng lượng bám sát với thực tế địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững cho địa phương. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Cà Mau đang hướng đến. Tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với nhiều bộ, ngành Trung ương, các tổ chức phi chính phủ... triển khai nhiều kế hoạch, dự án nhằm tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ và phục hồi tính đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước; đẩy mạnh công tác quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng cứu kịp thời các sự cố môi trường...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng đánh giá cao những đóng góp tích cực của dự án. “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới phát triển xanh. Đồng thời, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao hơn”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng nhấn mạnh./.

Thanh Phương

"Với số tiền hỗ trợ 150.000 USD của Oxfam Australia, Hội LHPN tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) lắp đặt hệ thống biogas cho 76 hộ, 57 hộ sử dụng thùng ủ rác hữu cơ, 85 đèn tích điện sử dụng năng lượng mặt trời (đèn Led), 201 hộ dùng bếp củi cải tiến ít khói, 2 hệ thống đèn Led đồng bộ tại Trường Tiểu học Nguyễn Phích và UBND xã Nguyễn Phích"