Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Nguồn năng lượng nào cho Đồng bằng sông Cửu Long?

  |   Viết bởi : Trích dẫn tại: http://www.thesaigontimes.vn/121298/Nguon-nang-luong-nao-cho-Dong-bang-song-Cuu-Long?.html

14/10/2014 | 10:28 (TBKTSG Online) - Trong khi các chuyên gia lo ngại về những thách thức của nhiệt điện than như thiếu nguồn cung than đá, ô nhiễm môi trường… ...

14/10/2014 | 10:28

(TBKTSG Online) - Trong khi các chuyên gia lo ngại về những thách thức của nhiệt điện than như thiếu nguồn cung than đá, ô nhiễm môi trường… thì năng lượng điện tái tạo (điện gió, điện sinh khối…) dù tiềm năng khá lớn nhưng vẫn chưa được các nhà đầu tư quan tâm.

Nhiệt điện than: vướng nguồn cung, vẫn đầu tư mạnh

Trình bày tại hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững năng lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” tổ chức hôm nay (14-10) tại Cần Thơ, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), cho biết ở Việt Nam hiện có 14 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động bằng công nghệ đốt than phun và tầng sôi, trong đó có 9 nhà máy sử dụng công nghệ đốt than phun và 5 nhà máy sử dụng công nghệ tầng sôi.

GreenID dự kiến sẽ có thêm có 57 dự án nhiệt điện than khác được xây dựng thời gian tới, trong đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có 9 dự án; Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) 6 dự án; Tập đoàn than- khoáng sản (TKV) 6 dự án; các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài có 4 dự án; nhà đầu tư BOT có 14 dự án và 18 dự án khác chưa có chủ đầu tư.

Còn theo quy hoạch điện 7, đến năm 2020, công suất nhiệt điện than cả nước đạt 36.000 MW, điện lượng đạt khoảng 154 tỉ kWh, tương đương khoảng 47% tổng sản lượng điện cả nước; đến năm 2030, công suất nhiệt điện than đạt 75.700 MW, điện lượng đạt 392 tỉ kWh, tương đương 56% lượng điện cả nước.

Tuy nhiên, nhiệt điện than có phát triển được như định hướng hay không còn rất nhiều bài toán phải giải quyết.

Theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia độc lập về năng lượng, quy hoạch phát triển nhiệt điện than như đã nêu trên cộng với nhu cầu sử dụng than đá ở các ngành công nghiệp khác như công nghiệp hóa chất, phân bón, xi măng… thì đến năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 10-22 triệu tấn than mỗi năm và tăng lên khoảng 55-70 triệu tấn từ năm 2030.

Tuy nhiên, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ đặt vấn đề: “Trữ lượng than của chúng ta có hạn và nhiệt điện ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung phải sử dụng nguồn than nhập khẩu. Thế nhưng, nguồn than thế giới đủ để cung cấp cho chúng ta nhập được trong bao lâu?”.

Trả lời câu hỏi trên, ông Chỉnh, thừa nhận cho đến nay chưa có đánh giá chuyên sâu nào về nguồn than của thế giới có thể cung cấp cho Việt Nam được trong bao lâu.

Theo ông Chỉnh, hiện có ba nguồn cung cấp than chính mà Việt Nam có thể mua là Nga, Indonesia và Australia. “Mua thì được nhưng ổn định và lâu dài hay không là cả một vấn đề. Nó càng rủi ro hơn nếu chúng ta cho xây dựng tất cả các trung tâm nhiệt điện đã quy hoạch, trong khi chưa rõ nguồn cung”, ông nói.

Còn ông Nguyễn Tiến Long, cũng là một chuyên gia độc lập về năng lượng, đề xuất phát triển nhiệt điện than phải theo hướng ai có nguồn cung than lâu dài, ổn định mới ưu tiên, tránh cho đầu tư, xây dựng khi chưa biết nguồn cung phục vụ cho sản xuất nằm ở đâu.

Một lý do khác cũng khiến không ít chuyên gia lo lắng, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường (không khí, đất, nước) do các nhà máy nhiệt điện than gây ra. “Chẳng hạn, trường hợp nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, làm khoảng 4.000 người chết tại Luân Đôn (Anh) vào năm 1952”, ông Sính của GreenID cho biết.

Năng lượng tái tạo: ít được quan tâm

Trong khi đó, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường như điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp…, hiện vẫn chưa được các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư đúng mức.

Theo ông Lý Ngọc Thắng, Chuyên gia năng lượng tái tạo Việt Nam, các dự án điện gió nằm trong quy hoạch của cả nước ước sản xuất được khoảng trên 4.450 MW, nhưng hiện nay chỉ mới đầu tư và đưa vào hoạt động được vài dự án với công suất đạt khoảng 50 MW.

Lý giải nguyên nhân khiến các dự án sản xuất điện nêu trên chưa được quan tâm, ông Long cho rằng, cái vướng nhất là vốn đầu tư quá lớn và giá thành sản xuất điện cao nên giá thành điện bán ra gần gấp đôi so với mức giá bình quân, “cho nên các nhà đầu tư ngại bỏ tiền vào đây”, ông Thắng nói.

Theo ông Long, điện sản xuất bằng năng lượng mặt trời càng khó tìm nhà đầu tư hơn vì giá thành còn cao hơn rất nhiều so với điện gió.

Cũng theo ông Long, riêng đối với khu vực ĐBSCL, cần tập trung và nên ưu tiên phát triển sản xuất điện gió, điện năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện sản xuất từ phụ phẩm ngành nông nghiệp như rơm rạ, trấu… vì đây là những thế mạnh sẵn có của vùng.

Thực tế, thống kê của Viện năng lượng (năm 2012), cho biết khả năng thu gom phụ phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL vào khoảng trên 23 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng trên 3,8 triệu tấn trấu, gần 17 triệu tấn rơm rạ, trên 372.000 tấn bắp; gần 1,4 triệu tấn bã mía….

Trích dẫn tại: http://www.thesaigontimes.vn/121298/Nguon-nang-luong-nao-cho-Dong-bang-song-Cuu-Long?.html