Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Thư kiến nghị chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

  |   Viết bởi :

THƯ KIẾN NGHỊ v/v chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

THƯ KIẾN NGHỊ

V/v: Chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Hà Nội ngày 15/11/2020

Kính gửi:

  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN,

 

  • Ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các Ông, Bà Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội
  • Toàn thể đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đồng kính gửi

  • Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN, cùng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các Bộ trưởng: Bộ Y tế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông Thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền Thông.
  • Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, cùng chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Kính thưa Bà Chủ tịch Quốc hội và toàn thể các đại biểu Quốc hội khóa XIV,

Kính thưa Ông Thủ tướng Chính phủ cùng các Ông, Bà Bộ trưởng các Bộ trực tiếp tham gia soạn thảo và góp ý cho dự Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) phiên bản tháng 11/2020:

Chúng tôi, gồm 6 liên minh và hội với 124 tổ chức thành viên có tên nêu ở phụ lục 5 cùng chia sẻ quan điểm về mục đích hướng đến một bộ Luật Bảo vệ môi trường:

  • (1) để bảo vệ sức khoẻ của thế hệ hiện tại;
  • (2) để bảo vệ sức khoẻ của các thế hệ tương lai;
  • (3) cho an toàn môi sinh và kiểm soát khai thác nguồn lực bền vững;
  • (4) cho sự tồn tại của môi trường sinh thái với đời sống con người;
  • (5) cho việc sử dụng biện pháp tài chính để kiểm soát và ngăn ngừa hành vi gây tổn hại và tác động xấu tới môi trường sống;
  • (6) cho việc thể hiện bằng chứng đảm bảo trách nhiệm của thế hệ hiện tại cho các thế hệ tương lai tiếp tục được sống trong môi trường như chúng ta đã có thông qua “bảo tồn”.

Chúng tôi viết thư này, chân thành cảm ơn bà Chủ tịch Quốc hội đã cho lùi phiên họp dự kiến thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường từ ngày 11/11 sang 17/11/2020 để nhóm soạn thảo thực hiện sửa đổi thêm sau khi nhận các thư kiến nghị của các liên minh CENFORD, NCDs-VN, VSEA, VRN, PanNature[1][2] gửi ngày 4/11/2020 và thư của NCDs-VN gửi ngày 9/11/2020 kèm 3 phụ lục nêu chi tiết 3 tồn tại lớn với những dẫn chứng phân tích cụ thể.

Chúng tôi cảm ơn Quốc hội đã công bố trên trang điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn dự thảo Luật phiên bản đề ngày 12/11/2020 để phục vụ cho phiên họp Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020. (http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1792). Sau đó chúng tôi cũng đã nhận được văn bản sửa đổi mới nhất ngày 14/11/2020 - “Dự thảo đã qua rà soát kỹ thuật” của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật mới nhất).

Kính thưa Bà Chủ tịch Quốc hội và toàn thể Đại biểu Quốc hội khóa XIV dự kỳ họp 10 phiên họp ngày 17/11/2020:

Sau khi nghiên cứu bản dự thảo luật mới nhất và rà soát sự thay đổi so với phiên bản dự thảo số 7 đăng trên trang điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn ngày 12/11, chúng tôi viết thư này đi kèm 5 phụ lục thể hiện sự nhất trí đánh giá của chúng tôi về chất lượng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ được Quốc hội thảo luận thông qua trong phiên 17/11/2020:

  1. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường phiên bản 7 ngày 12/11/2020 sau rà soát kỹ thuật phục vụ cho phiên họp thông qua ngày 17/11/2020 cơ bản vẫn còn nguyên ba tồn tại lớn nêu trong thư kiến nghị của liên minh NCDs-VN ngày 9/11/2020[3].
  2. Sửa đổi tính đến hết ngày 14/11/2020 là không đáng kể và không giải quyết vấn đề cốt lõi, hệ thống, đã được chúng tôi chỉ ra trong kiến nghị ngày 4/11/2020 và 9/11/2020.
  3. Cách thức chọn vấn đề sửa đổi thể hiện bộ phận soạn thảo chưa nhìn nhận đúng bản chất nghiêm trọng của các tồn tại chúng tôi nêu trong thư 9/11/2020, và chưa tiếp cận được các bài viết phân tích tình trạng Dự thảo Luật mất cơ bản nền tảng khoa học của Luật Bảo vệ môi trường mà chúng tôi đưa ra trong tuần vừa qua.

(Chi tiết đánh giá sự sửa đổi trong phiên bản mới nhất, xem Phụ lục 1).

Vì thế, chúng tôi kiến nghị:

  1. Quốc hội chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) trong kỳ họp này. Thay vào đó, thảo luận phương thức tổ chức lại tiến trình soạn thảo và thẩm định Dự thảo luật đảm bảo yêu cầu khoa học và thực tế của một Luật Bảo vệ môi trường, lên kế hoạch mới để thông qua trong kỳ họp lần thứ 11 (2021).
  2. Tạo điều kiện để các tổ chức khoa học vì dân - phi vụ lợi hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho mục tiêu an toàn môi sinh, sức khỏe sinh thái, tham gia vào tiến trình phản biện độc lập Dự thảo Luật phục vụ kỳ họp lần thứ 11.

Thực hiện trách nhiệm khoa học vì dân, chúng tôi xin gửi tới lãnh đạo Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định Dự thảo luật cùng toàn thể các đại biểu Quốc hội thêm 3 bài viết tham khảo nêu ở các phụ lục 2, 3 và 4.

Trong đó, bài viết ở Phụ lục 2 giúp có thêm cơ sở khách quan đánh giá tại sao dự thảo luật hiện hành bị mất cơ bản nền tảng khoa học Luật Bảo vệ môi trường.

Phụ lục 3 chỉ ra các bước làm cụ thể để khắc phục vấn đề nêu ở Phụ lục 2.

Phụ lục 4 cung cấp thêm lập luận khẳng định, để có được Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường có chất lượng và đáp ứng thực tiễn đất nước, thì ngoài việc chưa thông qua ở kỳ họp này, cần thay đổi cách làm theo hướng đảm bảo nguyên tắc khoa học dẫn đường, cả trong tiến trình soạn thảo và trong bước thẩm định của Quốc hội thời gian tới.

Kính thưa bà Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan liên quan của Quốc hội và Chính phủ, cùng toàn thể các đại biểu Quốc hội khóa XIV,

Chúng tôi thấu hiểu sâu sắc và tin tưởng rằng:

  • Vì sự tồn tại của môi trường sinh thái cha ông để lại,
  • Vì sự phát triển bền vững đất nước,
  • Vì quyền bình đẳng cho thế hệ tương lai trước di sản cha ông để lại cho con cháu bao đời,
  • Vì sự đồng hành cùng nhân lọai cho một hành tinh xanh an toàn môi sinh cho con người cùng các sinh thể chung sống bền vững,

Mong Bà Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan liên quan, cùng toàn thể các Đại biểu Quốc hội khóa XIV dự kỳ họp lần thứ 10 quan tâm tới thư kiến nghị của các liên minh chúng tôi (đặc biệt các thư gửi ngày 4/11, 9/11 và thư này 15/11) để chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) tại kỳ họp này, và thực hiện tổ chức chỉnh sửa, thẩm định đi theo cách thức nêu trong phụ lục 3 của thư kiến nghị này.

Chúng tôi chờ tin vui từ kết quả bế mạc kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIV trong đó có nêu “Chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020), đưa sang nghị trình kỳ họp thứ 11, 2021”.

Rất trân trọng cảm ơn!

Xem toàn văn thư kiến nghị tại đây.


[1] NCDs-VN: Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam; VSEA: Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam; JEH: Nhóm hành động vì Công lý, Sức khỏe, Môi trường; VRN: Liên minh sông ngòi Việt Nam; PanNature: Mạng lưới Hành động giảm thiểu rác thải nhựa Việt Nam; VIWHA: Liên minh Nước và Sức khỏe Việt Nam; EBHPD: Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa vào bằng chứng khoa học.

[2] Tính đến hết 11/11/2020 (tức không kể thư kiến nghị này), tổng cộng các liên minh đã gửi các thư kiến nghị sau:

  • Thư lần 1 của JEH ngày 9/2/2020
  • Thư lần 2 của 8 Liên minh ngày 7/2/2020: VSEA, NCDs-VN, JEH, VRN, VIWHA, Pan nature, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
  • Thư lần 3 của JEH ngày 29/4/2020
  • Thư lần 4 của JEH, VSEA, và NCDs-VN ngày 15/6/2020
  • Thư lần 5 của JEH, VSEA và NCDs-VN ngày 4/9/2020
  • Thư lần 6 của JEH, VSEA và NCDs-VN ngày 22/10/2020
  • Thư lần 7 của JEH, VSEA, NCDs-VN, VRN và PanNature ngày 4/11/2020.
  • Thư lần 8 của NCDs-VN ngày 9/11/2020.

[3] Xem chi tiết thư kiến nghị của liên minh NCDs-VN gửi ngày 9/11/2020 tại đậy: https://rtccd.org.vn/wp-content/uploads/2020/11/Thu-kien-nghi-Luat-BVMT_NCDs_small.pdf