Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch Điện VIII

  |   Viết bởi :

Thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện VIII và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch điện VIII Kính gửi Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Bên gửi kiến nghị Liên ...

THƯ KIẾN NGHỊ

Kính gửi

  • Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương
  • Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

Bên gửi kiến nghị

  • Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
  • Nhóm Hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe (JEH)

Chúng tôi là các tổ chức khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, môi trường, y tế, truyền thông. Chúng tôi đặc biệt quan tâm và ủng hộ nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Công thương chủ trì và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của QHĐ VIII sẽ do Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt. Sau hội thảo tham vấn lần 1 được Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 8/7/2020 và hội thảo tham vấn lần 2 được tổ chức vào ngày 28/9/2020 tại Hà Nội, chúng tôi đã nghiên cứu tài liệu của hội thảo và tổ chức các tọa đàm thảo luận với các bên liên quan về các nội dung xoay quanh QHĐ VIII vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua.).[1] Từ kết quả nghiên cứu tài liệu và đặc biệt là tổng hợp ý kiến của đại biểu tham dự trong các tọa đàm, chúng tôi kính gửi tới Quý đơn vị một số góp ý và đề xuất ban đầu như sau:

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

- Nội dung của Quy hoạch

1. Không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường.

2.   Không đưa vào quy hoạch các nhà máy điện hạt nhân bởi đây là công nghệ năng lượng đắt đỏ, tạo sự phụ thuộc lớn và toàn diện vào bên ngoài và không nằm trong định hướng chỉ đạo đã nêu trong Nghị quyết 55.

3.   Đưa vào quy hoạch giải pháp đột phá để tạo cơ sở hỗ trợ phát triển và khai thác tiềm năng to lớn của các loại hình sản xuất điện năng lượng tái tạo kết hợp, đa mục tiêu ví dụ như điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp.

4. Về dự báo nhu cầu: cần cập nhật tác động của Covid 19 đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế trước mắt và trong giai đoạn 3-5 năm tới cũng như tác động của chuyển đổi công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ toàn cầu để đưa ra dự báo nhu cầu điện phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác hợp lý nguồn tiềm năng năng lượng nội địa.

- Quy trình xây dựng quy hoạch

5. Cơ quan chủ trì cần thực hiện nghiêm túc hoạt động lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư và các cơ quan liên quan tới Quy hoạch điện. Hiện tại vẫn còn nhiều tổ chức, cộng đồng địa phương có quan tâm và mong muốn đóng góp ý kiến cho Quy hoạch. Dự kiến trong thời gian tới các tổ chức cộng đồng ở miền Trung và miền Nam có kế hoạch lấy ý kiến cộng đồng cho việc xây dựng Quy hoạch, rất mong tới đây VSEA cùng các tổ chức cộng đồng sẽ có cơ hội để trực tiếp trao đổi với cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch và lập Báo cáo ĐMC. Để có thể góp ý đầy đủ, chúng tôi rất mong nhận được bản thảo đầy đủ của QHĐ VIII và Báo cáo môi trường chiến lược của QHĐ VIII.

Trên đây là một số đề xuất và kiến nghị góp ý của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn sẽ được tiếp tục đóng góp ý kiến cho các bản thảo tiếp theo của Quy hoạch. Để luận giải cho các kiến nghị, chúng tôi xin gửi kèm Phụ lục phân tích chi tiết các kiến nghị để quý cơ quan tiện theo dõi.

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Quý cơ quan về những nội dung góp ý và lộ trình tiếp theo của quá trình xây dựng Quy hoạch trong 10 ngày tới.

Trân trọng,

Đại diện VSEA

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

 

Đại diện JEH

Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng

 

 

Thông tin liên hệ:

Văn phòng Nhóm hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe (JEH)

Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng (IRECO).

Địa chỉ liên hệ: Tầng 5, Toà nhà 5 tầng Khu liên hợp Phát triển Phụ nữ thành phố Hà Nội, số 7 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Bà Bùi Thị An- Viện trưởng IRECO kiêm Chủ tịch nhóm JEH      

Điện thoại: 0948276488| Email: buianvongthi@gmail.com

Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)

Địa chỉ liên hệ gửi về: Nhà C1X3, ngõ 6 Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch VSEA     

Điện thoại: 0912713229| Email: ntkhanh@greenidvietnam.org.vn

-------------------------------------------------------------------------------------

PHỤ LỤC

  1.   Những ưu điểm chính của bản thảo Quy hoạch các kịch bản phát triển điện được đưa ra tham vấn:
  • Quy hoạch đã bám sát định hướng của Nghị Quyết 55/BCT ngày 11 tháng 2 năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi xác định 03 mục tiêu của Quy hoạch gồm (1) Đảm an ninh năng lượng quốc gia trong bất cứ tình huống nào; (2) Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT); (3) Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.
  • Quy hoạch lần này có độ mở và linh hoạt hơn so với các Quy hoạch trước đây: 11 kịch bản được xem xét tính toán trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII thay vì 3 phương án (cao, cơ sở và thấp) như trước đây. Phương pháp tiếp cận này hỗ trợ tính linh hoạt và tăng khả năng thích ứng với bối cảnh thay đổi liên tục và khó đoán định như hiện nay.
  • Tính tới chi phí ngoại biên: So với Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, Quy hoạch Điện VIII đã đưa chi phí ngoại biên (CO2, SOx, NOx, bụi PM2.5) vào tính toán. Các chi phí đất đai, chi phí xử lý tấm pin mặt trời, pin tích trữ cũng đã đưa vào tính toán.
  • Về nguồn năng lượng sơ cấp: tất cả các nguồn năng lượng sơ cấp đều được xem xét, gồm thủy điện, than, khí, gió, mặt trời, biomass, rác thải, địa nhiệt, sóng, điện khí sinh học.  Điện hạt nhân cũng được đưa vào xem xét trong mô hình dù 2 dự án đầu tiên đã bị hủy bỏ.
  • Tăng tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo: tỷ lệ NLTT đề xuất trong các kịch bản QHĐ VIII đến năm 2045 (KB1: 40,3%, KB2: 42% và KB3: 48%) đều có tỷ lệ cao hơn so với Nghị quyết 55 và chiến lược phát triển NLTT.
  • Trì hoãn 17 GW điện than ra sau 2030 là một chiến lược thông minh và phù hợp với xu thế mới
  • Tập trung phát triển NLTT ở miền Trung và miền Nam
  • Phát triển đường truyền tải HVDC.
  1.  Những vấn đề cần được xem xét cẩn trọng trong quy hoạch

2.1 Tính khả thi của kế hoạch phát triển các dự án điện than mới

Tiếp cận tài chính của các dự án điện than ngày càng khó khăn

Từ những thách thức của biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường trầm trọng và tác động sức tới sức khỏe, phong trào thoái vốn khỏi nhiệt điện than đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Theo thống kê của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFFA), từ năm 2013 tới nay đã có 137 tổ chức ban hành các chính sách thắt chặt tài chính cho nhiệt điện than, gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản, chủ đầu tư.[2] Bên cạnh các tổ chức tài chính, phong trào này còn có sự tham gia của 1237 tổ chức gồm các chính phủ, quỹ từ thiện, tổ chức giáo dục, sức khỏe, hưu trí, tín ngưỡng, các công ty, tập đoàn.... Giá trị thoái vốn từ những tổ chức này lên tới 14,14 ngàn tỷ USD. Bên cạnh các tổ chức, các cá nhân cũng tham gia phòng trào với số lượng là hơn 58.000 người, giá trị thoái vốn là khoảng 5,2 tỷ USD.[3] 

Phong trào này đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ và tính khả thi của các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam. Tiêu biểu là năm 2016 ngân hàng Standard Chartered đưa ra chính sách thắt chặt tài chính cho nhiệt điện than. Đến tháng 4 năm 2018, ngân hàng này đã rút khỏi dự án nhiệt điện than Nghi Sơn 2 vì lượng phát thải CO2 của dự án vượt ngưỡng cho phép của ngân hàng. Tới tháng 12 năm 2019, ngân hàng này cùng với 2 ngân hàng của Singapore là DBS, OCBC cũng rút khỏi dự án nhiệt điện Vũng Áng 2.

Phong trào này đang phát triển theo hướng mở rộng hơn. Nếu như năm 2013 chỉ có các tổ chức tài chính của châu Âu đưa ra chính sách thoái vốn thì những năm gần đây các tổ chức tài chính khu vực châu Á, trong đó có cả Nhật Bản đã tham gia như Mizuho Financial Group.

Một loạt các dự án điện than chậm tiến độ trong thời gian vừa qua do khó khăn trong tiếp cận tài chính đã là một thực tế và sẽ tiếp tục là thách thức trong tương lai nếu không có sự thay đổi trong quy hoạch.

Trong khi đó, xu hướng các dòng đầu tư cho một số loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời ngày càng tăng lên. Ở Việt Nam, các ngân hàng đã bắt đầu xem xét đến các chính sách, gói cho vay tài chính cho các dự án điện mặt trời như Nam Việt Bank, VPBank, HD Bank, các khoản vay ngày càng cạnh tranh về lãi suất (12- 15%) để đảm bảo đa dạng khách hàng có thể tham gia.

Tác động nhãn tiền của các dự án nhiệt điện than hiện tại chưa được xử lý, việc tiếp tục phát triển thêm các dự án mới sẽ càng tăng thêm gánh nặng bệnh tật và hiểm họa đối với môi trường

Tháng 6/2020 vừa qua GreenID đã hoàn thành và xuất bản báo cáo nghiên cứu ‟Tác động của nhiệt điện than tới chất lượng không khí và sức khỏe tại Việt Nam”. GreenID xin gửi tới Quý cơ quan để tham khảo và sử dụng trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII. Theo kết quả nghiên cứu này, các nhà máy điện than đang vận hành gây ra khoảng 4.359 ca tử vong sớm vào năm 2017. Con số này sẽ tăng lên khoảng 28.136 vào năm 2030 theo kịch bản phát triển điện than của QHĐ VII điều chỉnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khu vực Đồng bằng Sông Hồng là khu vực chịu tác động lớn nhất. Đặc biệt trong số các tỉnh thành, Hà Nội là thành phố chịu tác động sức khỏe lớn nhất từ các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành.[4] 

Hiện trạng ô nhiễm không khí ở các khu vực thành thị đặc biệt một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là vấn đề rất nổi cộm trong những năm qua. Một số nghiên cứu cho thấy các nhà máy điện than tập trung ở phía đông Hà Nội có thể là nguồn đóng góp gia tăng nhanh nhất vào ô nhiễm không khí của thủ đô gây ra ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội, đặc biệt vào mùa đông khi gió Đông Bắc tràn về thì mức độ ô nhiễm lại càng cao ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân [5]. Một nghiên cứu đã định lượng các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 ở Hà Nội cho thấy với kịch bản tăng trưởng như hiện tại, dù tính cả các chính sách kiểm soát phát thải hiện có và đã lên kế hoạch, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội có thể tăng khoảng 20% vào năm 2030. Trong đó, "mức tăng lớn nhất về nồng độ PM2.5 sẽ đến từ phát thải trong ngành điện".[6]

Việc tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy điện than mới trên cả nước nói chung và đặc biệt là khu vực miền Bắc sẽ khiến hiện trạng ô nhiễm không khí và gánh nặng bệnh tật ở vực này trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, cần xem xét và không đưa vào Quy hoạch 18.300 MW điện than mới, gồm:

- 10.700 MW đang được xác định chắc chắn xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý: An Khánh II, Nam Định I, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Vĩnh Tân III, và Sông Hậu II.

- 7.600 MW các dự án lùi sau 2030 và 2035: Hải Hà, Quảng Ninh III, Quỳnh Lập I & II, Quảng Trị, Công Thanh 2.

An ninh năng lượng không được đảm bảo

Theo phương án hiện tại của dự thảo nếu tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy điện than mới thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu đến hơn 170 triệu tấn than để đáp ứng vận hành các nhà máy, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh năng lượng quốc gia khi phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguồn nhiên liệu.

Đại dịch Covid trong thời gian qua đã tác động và còn tác động lâu dài tới chuỗi cung ứng của than. Năm 2020, Chính phủ Mông Cổ đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu than cho Trung Quốc để ngăn chặn lây lan do dịch virut Corona; Nam Phi cũng đóng cửa tất cả các mỏ than vì lý do tương tự. Hơn nữa, việc nhập khẩu dầu nhiên liệu đầu vào cho phát điện của các nhà máy đến từ Malyasia và Singapore cũng có khả năng gặp khó khăn khi hai nước này đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Những rủi ro này cần được tính đến trong quá trình xây dựng quy hoạch.

Người dân và chính quyền địa phương không ủng hộ điện than

Theo báo cáo “Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân”[7] - phỏng vấn 117.363 người dân ở toàn bộ 63 tỉnh/thành phố, nhiệt điện than là loại hình ít được lựa chọn nhất vì đây được xem là nguyên nhân gây trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí. Điều đáng chú ý từ báo cáo này là người dân sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho loại hình sản xuất điện từ năng lượng tái tạo miễn sao loại hình này đảm bảo cung ứng điện.

Trước những rủi ro về môi trường và xã hội của các dự án điện than, nhiều địa phương đã đề xuất không xây dựng nhiệt điện than như Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang để đề xuất chuyển sang các nguồn thay thế bền vững và bảo vệ môi trường hơn.

Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ khó nhận được sự ủng hộ từ người dân và chính quyền các địa phương và điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án như đã diễn ra trong thời gian qua.

2.2. Rủi ro của kịch bản phát triển điện hạt nhân

Rõ ràng, với các tác động đến môi trường từ sự cố điện hạt nhân đã xảy ra tại Nhật Bản và Đức là hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi mà còn thiếu trình độ chuyên môn để vận hành, cùng với tính nguyên tắc không cao thì rất khó để kiểm soát các sự cố. Đặc biệt, điện hạt nhân cũng gây phát thải không hề nhỏ. Năng lượng hạt nhân yêu cầu chính phủ phải có cam kết tài chính rất lớn cho cả vòng đời của loại năng lượng này, điều này gây ra gánh nặng về tài chính chứ không phải mang lại lợi ích. Nhiều quốc gia không chọn đầu tư vào điện hạt nhân vì các lý do kinh tế, chứ không chỉ vì các lý do uy tín và an ninh bởi chính phủ phải trợ giá rất nhiều cho sản xuất điện hạt nhân. Để hoàn nguyên nhà máy điện nguyên tử sau khi đóng cửa nhà máy, cần một khoản tiền khổng lồ, nhất là tẩy rửa phóng xạ và nhiều năm để khôi phục, thậm chí tại nơi xảy ra sự cố hoặc xây dựng nhà máy thì khó có thể phục hồi đất bình thường bởi các yếu tố nhiễm phóng xạ trong quá trình vận hành. Chi phí này cũng chưa được thể hiện trong kịch bản đề xuất khi xem xét bổ sung nhà máy điện hạt nhân vào trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện tại.

Việc đánh giá những ảnh hưởng đến xã hội và môi trường toàn diện của điện hạt nhân phải được thưc hiện một cách trọn vẹn và cân nhắc đầy đủ trước khi xây dựng cho toàn bộ vòng đời của dự án điện hạt nhân (bao gồm các nhà máy điện, địa điểm lưu trữ chất thải, và các đường/tuyến vận chuyển, tháo dỡ nhà máy khi hết khấu hao, vv). Năm 2016, GreenID đã có kiến nghị về vấn đề này[8] gửi đến các cơ quan liên quan dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân về đề xuất các giải pháp thay thế.[9]

2.3. Giải pháp đột phá để phát triển loại hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp

Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp (quang nông), đặc biệt là trồng trọt hiện chưa được xem xét trong các kịch bản nguồn đề xuất cho QHĐVIII. Nhờ cơ chế hỗ trợ mới cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời, hàng trăm dự án năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời được đăng ký và xây dựng. Tuy nhiên, các trang trại điện mặt trời lớn được xây dựng hiện nay lại ở các khu vực sản xuất nông nghiệp nên cũng mang lại những thách thức lớn. Một thách thức đặt ra trong thời gian gần đây liên quan đến cả lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng là xung đột phát sinh trong sử dụng tài nguyên đất, hệ quả của việc đầu tư ồ ạt vào năng lượng gió và mặt trời. Vậy tại sao không kết hợp hai lĩnh vực này để mang lại lợi ích kép?

Năm 2018, GreenID phối hợp với nhóm chuyên gia đã xây dựng nghiên cứu ‟Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng Việt Nam[10] cho thấy sử dụng kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội, chủ yếu nhờ năng suất đất của hệ thống sử dụng kết hợp được cải thiện so với mô hình sử dụng cùng diện tích đất cho một mục đích duy nhất. Ứng dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp còn mang lại cho nông dân và cộng đồng những lợi ích khác như tiết kiệm chi phí năng lượng (nhờ tiêu thụ điện mặt trời tự sản xuất được), tăng thu nhập cho nông dân địa phương (nhờ cơ hội tăng vốn đầu tư và thu thuế), cải thiện cơ hội quảng bá và sức cạnh tranh (hình thành chuỗi cung ứng/sản xuất bền vững), có thể cải tiến các phương thức sản xuất nông nghiệp, giảm nhu cầu năng lượng (trong thời gian cao điểm), giảm phát thải khí CO2 và phát thải gây nguy hại khác tại địa phương từ các nhà máy nhiệt điện truyền thống (như điện than) và phát triển tổng thể ngành nông nghiệp bền vững hơn, tăng sức cạnh tranh của ngành (ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu). Do vậy, cần xem xét tính toán tiềm năng của mô hình này trong các kịch bản quy hoạch bởi đây sẽ là nguồn tiềm năng lớn khi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lại có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Một nghiên cứu mới đây nhất năm 2020 của Tổ Chức Phát triển Hà Lan SNV về “Đánh giá các mô hình tài chính trong tiếp cận sử dụng đất kép cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện mặt trời tại Việt Nam” đã đánh giá các kịch bản đầu tư khác nhau trên từng loại cây trồng cụ thể. Hai mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (APV) đã được đề xuất phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam, “mô hình hộ dân tự đầu tư” áp dung cho các quy mô tương đối nhỏ, ít ảnh hưởng tới lưới điện, đây là mô hình khá phổ biến trên thế giới với việc người nông dân làm chủ trang trại, tự bỏ vốn đầu tư và làm chủ dự án; “mô hình đầu tư bên thứ ba“ là một hình thức có sự tham gia của các nhà đầu tư điện mặt trời, có thể mua hoặc thuê đất nông nghiệp từ các hộ nông dân, quy mô này tương đối lớn và không khác với các trang trại năng lượng mặt trời truyền thống, tuy nhiên không gây ra các vấn đề xung đột trong việc mất đất cho canh tác nông nghiệp.  

Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang có tiềm năng lớn để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với điện mặt trời, bởi đây là khu vực có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, với các vuông, đầm nuôi tôm, cá có thể lắp đặt ĐMT để vừa góp phần giảm chi phí sản xuất lại vừa tăng thu nhập thông qua bán điện cho EVN. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh covid, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nếu phát triển hệ thống ĐMT kết hợp sẽ góp phần giảm sức ép cho người nông dân khi việc sản xuất gặp khó khăn, chuỗi cung ứng có nhiều rủi ro thì việc có nguồn thu nhập từ việc bán điện lại tận dụng diện tích mặt nước bỏ trống sẽ phần nào đảm bảo thu nhập vượt qua khó khăn. Do vậy, mặc dù, bản thảo quy hoạch điện VIII đã có xác định tiềm năng của mô hình ĐMT kết hợp nhưng vẫn cần có chính sách hỗ trợ riêng biệt nhanh chóng, kịp thời để khai thác hiệu quả tiềm năng này.

2.4.  Dự báo nhu cầu: cần cập nhật lại tác động của Covid 19 đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tác động của chuyển đổi công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ toàn cầu.

Bản thảo QHĐ VIII hiện tại đã xem xét tác động của Covid 19 tới kinh tế - xã hội và dự báo nhu cầu điện trong ngắn hạn và dài hạn. Bản thảo đã đưa ra nhận định “tác động của Covid 19 đến nhu cầu điện trong ngắn hạn là tương đối đáng kể, trong khi tác động dài hạn phụ thuộc vào khả năng phục hồi”. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của toàn quốc là 6,8% trong giai đoạn 2021 – 2025, 6,4% trong giai đoạn 2026 – 2030, và dưới 6% trong giai đoạn sau năm 2030. Từ đó dự báo nhu cầu điện được đưa ra tương ứng, với sản lượng điện sản xuất của QHĐ VIII vào năm 2030 thấp hơn 35 TWh so với QHĐ VII điều chỉnh.

Tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng điện sản xuất được dự báo vẫn duy trì ở mức 8,2%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Con số này gần như không thay đổi so với QHĐ VII điều chỉnh (khoảng 8%). Chúng tôi cho rằng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP và điện sản xuất giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo hiện tại vẫn còn cao khi tình hình Covid 19 vẫn đang diễn ra phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động kinh tế xã hội trong ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra quá trình chuyển đổi công nghệ và chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh và sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung và dự báo sản xuất điện nói riêng.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất cần cập nhật lại tác động của Covid 19 đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế trước mắt và trong giai đoạn 3-5 năm tới cũng như tác động của chuyển đổi công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ toàn cầu để đưa ra dự báo nhu cầu điện phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác hợp lý nguồn tiềm năng năng lượng nội địa.

2.5 Cơ quan chủ trì cần thực hiện nghiêm túc hoạt động lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng dân cư và các cơ quan liên quan về Quy hoạch điện.

  • Vấn đề tham vấn cộng đồng bị ảnh hưởng

Theo tinh thần của Nghị quyết 55; pháp luật quy hoạch và pháp luật bảo vệ môi trường, việc tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập Quy hoạch và Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch điện VIII là vô cùng quan trọng và là một bước bắt buộc cơ quan lập báo cáo phải thực hiện. Chúng tôi rất vinh dự và đánh giá cao việc Viện Năng lượng đã tổ chức Hội thảo tham vấn đầu tiên vào ngày 11/8 vừa rồi. Tuy nhiên, qua trao đổi tại phần hỏi đáp với đại diện Viện Năng lượng, chúng tôi biết rằng, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, Viện Năng lương chưa thực hiện được hoạt động tham vấn các cộng đồng dân cư bị ảnh bởi các dự án năng lượng, đặc biệt là cộng đồng xung quanh các dự án nhiệt điện than tại miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn mà Viện Năng lượng đang gặp phải trong quá trình tham vấn cộng đồng.

Nhưng chúng tôi cho rằng, việc tham vấn các cộng đồng dân cư, lắng nghe tiếng nói của những người dân đã đang và sẽ hàng ngày bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển năng lượng, đặc biệt đối với các dự án Nhiệt điện than là điều cần thiết để đánh giá đúng và đủ những tác động về môi trường, sức khỏe người dân sẽ phải gánh chịu khi triển khai Quy hoạch điện VIII.

  • Vấn đề tham vấn các bộ, ban, ngành và địa phương

Theo nguyên tắc trong hoạt động lập quy hoạch, quy hoạch ngành quốc gia phải đồng bộ với quy hoạch phát triển của các vùng và làm căn cứ để các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển tại địa phương mình. Do vậy, việc tham vấn để lấy ý kiến của các địa phương trong việc lập Báo cáo ĐMC của QHĐ VIII là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, việc triển khai QHĐ VIII còn ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống, xã hội, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, việc tham vấn để lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành liên quan cũng rất quan trọng.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần nghiêm túc thực hiện việc tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập Quy hoạch và Báo cáo ĐMC của QHĐ VIII. Bên cạnh đó, với vai trò là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển cộng đồng, Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và phối hợp cùng Quý cơ quan trong hoạt động lấy ý kiến tham vấn các cơ quan và cộng đồng liên quan.

DANH SÁCH THÀNH VIÊN LIÊN MINH NĂNG LƯỢNG BỀN VỮNG VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH HÀNH ĐỘNG VÌ CÔNG LÝ, SỨC KHỎE VÀ MÔI TRƯỜNG

STT

Tổ chức

Tên viết tắt

Địa điểm Văn phòng

1

Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường & Phát triển

CHANGE VN

TP. Hồ Chí Minh

2

Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng

Live&Learn

Hà Nội

3

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội

CSRD

Huế

4

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng

RTCCD

Hà Nội

5

Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững

LPSD

Hà Nội

6

Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng

MEC

Hà Nội

7

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

GreenID

Hà Nội

8

Tổ chức bảo tồn thiên nhiên

WWF Việt Nam

Hà Nội

9

TS. Lê Anh Tuấn (chuyên gia)

 

Cần Thơ

10

Trung tâm Phát triển Sáng kiến cộng đồng và Môi trường

C&E

Hà Nội

11

Phòng thí nghiệm Năng lượng sạch và Phát triển Bền Vững

CleanEd

Hà Nội

12

Tổ chức Phát triển Hà Lan

SNV

Hà Nội

13

Trung tâm Phát triển truyền thông và Sức khỏe

HCDC

Hà Nội

14

Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng

IRECO

Hà Nội

15

Trung tâm Tư vấn Truyền thông và Phát triển

CCDC

Quảng Trị

16

Trung tâm Vị Nông (TT Khuyến viên và Nghề vườn)

 

Nghệ An

17

TT Nghiên cứu PT kinh tế và Môi trường Bền vững

SEEDS

Quảng Bình

18

Trung tâm Tư vấn Lâm nghiệp

 

Thanh Hóa

19

Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao (ĐH Duy Tân – Huế)

 

Huế

20

Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh

HCCD

Hà Tĩnh

21

Liên Hiệp các hội KHKT tỉnh Hà Tĩnh

VUSTA Hà Tĩnh

Hà Tĩnh

22

Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với BĐKH

CEWAREC

Hà Nội

23

Trung tâm Phát triển và Bảo tồn tài nguyên nước

WARECOD

Hà Nội

24

Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng Dân tộc, Miền núi

HRC

Hà Nội

25

Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức Khỏe

CHERAD

Hà Nội

 

[1] Các tọa đàm do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam phối hợp với đối tác tổ chức trong tháng 8 và tháng 9, 2020:

  • Tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” sáng ngày 25/08/2020 trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020.
  • Tọa đàm “Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp và điện mặt trời nổi” chiều ngày 25/08/2020 trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020.
  • Tọa đàm “Chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế tất yếu và lợi ích cho địa phương” ngày 17-18/09/2020 cho hai khu vực Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Các tọa đàm có sự tham gia của đại diện các địa phương: Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và Bạc Liêu

[6] Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018.

[7] CECODES, VFF-CRT, RTA & UNDP (2019). Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân. Báo cáo nghiên cứu chính sách chung của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP). Hà Nội, Việt Nam