Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Ủng hộ dừng điện hạt nhân và khuyến nghị ưu tiên phát triển nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo

  |   Viết bởi : Tài liệu tham khảo:  Khuyến nghị chính sách “Điện hạt nhân tại Việt Nam – Thách thức và biện pháp thay thế”  ​​​​​​​

8:30 AM

Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam biểu quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với hơn 90% phiếu thuận – đây là quyết định sáng suốt và đúng thời điểm nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định kinh tế. 
Theo Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), điện hạt nhân chỉ chiếm 3,6% công suất và 5,7% sản lượng của hệ thống điện quốc gia. Ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân do chi phí quá tốn kém và không còn phù hợp để tiếp tục đầu tư trong bối cảnh hiện tại. 

Các khoản chi phí trong toàn bộ vòng đời của một nhà máy điện hạt nhân, bao gồm việc tháo dỡ nhà máy, việc vận chuyển, chôn lấp và bảo quản chất thải hạt nhân qua nhiều thế kỷ rất đắt đỏ. Câu hỏi đặt ra làm thế nào để đảm bảo có nguồn tài chính ổn định và đầy đủ trong nhiều năm ở các nước có nhà máy điện hạt nhân? Chính phủ và nhà đầu tư đều phải tính đến lãi phát sinh từ các khoản tín dụng quốc tế sử dụng để xây dựng các nhà máy, đào tạo nhân viên, thông tin và kế hoạch khẩn cấp đối với công chúng, chi phí bảo hiểm cũng như việc đền bù thiệt hại trong trường hợp xảy ra tai nạn hay sự cố.
Phát triển điện hạt nhân đồng nghĩa với việc phụ thuộc vào các quốc gia khác trong thời gian kéo dài tới nhiều thập kỷ. Các quốc gia như Việt Nam sẽ không thể tự mình kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất điện hạt nhân, và sẽ luôn luôn phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài để họ nhận và tái xử lý nhiên liệu hạt nhân hoặc để đào tạo các nhân viên làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân.

Vậy nguồn năng lượng nào là lựa chọn phù hợp để thay thế cho điện hạt nhân ở Việt Nam?
Quyết định của Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân được đưa ra chỉ 04 ngày sau khi tuyên bố của Diễn đàn các nước bị tổn thương bởi Biến đổi khí hậu (CVF) mà Việt Nam là một nước thành viên về “hướng tới sản xuất 100% năng lượng tái tạo nhanh nhất có thể”1. Thông báo này được đưa ra vào cuối chương trình hội nghị COP22, tại Ma-rốc và được đánh giá cao.
Với các ưu điểm về công nghệ, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường, giá thành giảm nhanh và dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo đang bùng nổ trên toàn thế giới trong vài năm gần đây2. Do có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, sinh khối, và gió, … với công suất ước tính 37,818 MW3 gần tương đương với công suất hiện tại của hệ thống điện quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thậm chí cả khi không có gió và ánh nắng mặt trời thì năng lượng vẫn được cung cấp đủ nhờ những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ điện. 

Năng lượng tái tạo là một công nghệ tiến bộ, ít rủi ro, ít gây ra tác động xấu đến môi trường và sinh kế của người dân. Những công nghệ này tương đối đơn giản, nên có thể tạo ra nhiều việc làm mới cho những lao động có trình độ thấp ở vùng nông thôn, cũng như những lao động làm quản lý và các công việc liên quan đến sản xuất, lắp đặt và bảo trì hệ thống. Ví dụ, ở Đức, từ năm 2000, ngành năng lượng tái tạo tạo ra rất nhiều công việc ổn định, với khoảng 380.000 công việc so với 38.000 công việc trong ngành hạt nhân. Nhà máy điện năng lượng tái tạo có thể đưa vào vận hành nhanh hơn năng lượng than hay hạt nhân, vì thời gian xây dựng chỉ mất khoảng hai năm. Phát triển Năng lượng tái tạo giúp tạo ra chuỗi giá trị và ngành công nghiệp nội địa đồng thời phát triển các khu vực nông thôn, lồng ghép được với các mục tiêu phát triển nông thôn mới và chiến lược Tăng trưởng xanh. Theo kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy với các chính sách đúng đắn, năng lượng tái tạo đã thu hút được nhiều đầu tư đến từ các khu vực tư nhân hơn, trong khi năng lượng hạt nhân, và năng lượng hóa thạch đòi hỏi nguồn đầu tư chủ yếu là từ nhà nước và trong một thời gian dài. Hiện nay, chi phí cho sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên thế giới có xu thế giảm mạnh (mới đây ở Dubai chỉ còn khoảng 670 đồng/1kWh)4 và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trái lại, không ai có thể tính toán cụ thể được các chi phí của điện hạt nhân – bởi không ai có thể tính trước đươc khi xảy ra thảm họa hạt nhân, hay các chi phí để lưu trữ chất thải hạt nhân trong vòng hơn 200.000 năm. 
Quốc hội, Đảng và Chính phủ cần ưu tiên cho phát triển nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vì các lợi ích kép bao gồm an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển kinh tế ổn định và bền vững./.

------------------------------------------------
Thông tin liên hệ:
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Phòng 707, tầng 7 Tòa nhà Sunrise Building, 90 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội 
Bà Ngụy Thị Khanh | Giám đốc 
Điện thoại: (+84) 4 3795 6372 | Email: ntkhanh@greenidvietnam.org.vn
Website: http://greenidvietnam.org.vn/

Viện FES tại Việt Nam
Số 7 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội TS. Sonja Schirmbeck | Phó Giám đốc 
Điện thoại: (+84) 4 3845 5108/ (+84) 0125 907 0517/ Email: sonja@fes-vietnam.org
Website: http://www.fesvietnam.org/vi/

Tài liệu tham khảo:  Khuyến nghị chính sách “Điện hạt nhân tại Việt Nam – Thách thức và biện pháp thay thế”