Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Châu Á cần điều gì để quay lưng lại với than

  |   Viết bởi : Ilias Tsagas

Với sự sụt giảm nhanh chóng của chi phí điện mặt trời, tạp chí pv đã khám phá ra các động lực và trở ngại đằng sau việc loại trừ than và áp dụng quang điện và công nghệ năng lượng tái tạo khác ở châu Á. Tin tốt lành là mọi thứ đang đi đúng hướng.

Nhà máy điện than gần thủ đô UlaanBaatar của Mông Cổ. Tại châu Á, than vẫn là một giải pháp giá rẻ, khá hấp dẫn để sản xuất điện năng, do những lỗ hổng trong cả chính sách lẫn công nghệ nên việc phát triển năng lượng tái tạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Hình ảnh: Ngân hàng Phát triển Châu Á

Một báo cáo được công bố bởi BloombergNEF’s Climate Finance Leadership Initiative vào tháng 9 năm 2019 có tiêu đề “Đầu tư tài chính vào tương lai các-bon thấp” đã so sánh giá điện ​​năng lượng tái tạo so với giá điện than, không kể chi phí ngoại biên về môi trường của than. Báo cáo chỉ ra rằng: “Năng lượng gió mới và mặt trời mới đã trở nên cạnh tranh hơn về chi phí so với than ở hầu hết các nước trên thế giới. Nếu có đủ sự chắc chắn về doanh thu và sự ổn định về chính sách, các nhà phát triển có thể cung cấp điện từ năng lượng tái tạo với chi phí thấp hơn so với điện đốt than”.

Tại hai quốc gia châu Âu trong biểu đồ của BloombergNEF, giá điện quy dẫn (LCOE) của điện mặt trời thấp hơn so với than chủ yếu do giá carbon cao ở các quốc gia đó. Tuy nhiên, đối với hầu hết các quốc gia khác, giá điện mặt trời vẫn có tính cạnh tranh mà không kể giá carbon. Tuy nhiên, theo biểu đồ tương tự, đối với Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản, giá điện than vẫn rẻ hơn điện mặt trời.

Các yếu tố châu Á khác

Michael Grubb cho rằng có một số yếu tố khác ở một số quốc gia châu Á có thể khiến đầu tư vào điện than hấp dẫn hơn so với mặt trời bất chấp LCOE. Grubb là giáo sư về Chính sách Năng lượng Quốc tế và Biến đổi Khí hậu tại Trường Đại học College London (UCL), và là tác giả chính trong một số báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) - là cơ quan của Liên hợp quốc để đánh giá về mặt khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu.

“Rõ ràng là nếu [LCOE] của điện mặt trời cao hơn sẽ hạn chế đáng kể việc ứng dụng, kèm theo đó là một số yếu tố quan trọng khác”, Grubb nói. Những yếu tố này có thể bao gồm các quốc gia không có cơ sở hạ tầng quản lý và kinh doanh cần thiết để giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển và cung cấp các tấm quang điện cũng như thiếu các chuỗi cung ứng liên quan. Lỗ hổng về năng lực này đặc biệt liên quan khi đánh giá năng lực kỹ thuật tương ứng để lắp đặt và bảo trì hệ thống điện mặt trời và liên quan đến các yêu cầu kinh doanh như khả năng chắc chắn khi thực hiện hợp đồng hai bên.

Grubb lưu ý rằng một yếu tố khác cản trở việc ứng dụng năng lượng mặt trời có thể là các điều kiện nối lưới, ví dụ như mô hình hợp đồng để mua điện năng lượng mặt trời. Grubb nói thêm rằng “mức độ tin cậy về tín dụng có thể là một mối quan tâm, có lẽ đặc biệt đối với các nhà đầu tư quốc tế, những người sẽ chịu rủi ro tỷ giá hối đoái”. Thật vậy, nghiên cứu do nhóm UCL thực hiện đã kết luận rằng rủi ro quốc gia là một yếu tố chính ảnh hưởng đến chi phí vốn cho các dự án năng lượng mặt trời.

Dòng than của Châu Á

Một báo cáo được công bố vào tháng Giêng bởi Global Energy Monitor (GEM), một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi Quỹ Ford có trụ sở tại Hoa Kỳ, Viện Hợp tác Quốc tế Đức và Quỹ Khí hậu Châu Âu, cho thấy kể từ năm 2014, dòng than cho các dự án than của các quốc gia điện than hàng đầu thế giới đã bị thu hẹp khoảng 2/3. Trong số các quốc gia này, chỉ có Nam Phi là không thuộc châu Á.

Vẫn còn phải xem liệu xu hướng này có tiếp tục hay không, tuy nhiên báo cáo của GEM cho rằng tương lai sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng cung cấp tài chính. Báo cáo lập luận rằng khoản đầu tư vào nhiệt điện than mới của châu Á chủ yếu được hỗ trợ bởi các tổ chức tín dụng xuất khẩu, đồng thời cho biết thêm rằng tình hình cấp vốn đã bắt đầu suy giảm do sự thận trọng của người cho vay chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Grubb lập luận thêm rằng trong khi hầu hết các nhà máy than đang được xây dựng ở châu Á được tài trợ thông qua các tổ chức chính phủ và tổ chức tài chính nhưng hầu hết các dự án năng lượng tái tạo đều thu hút nguồn tài chính từ khu vực tư nhân. Trong trường hợp này nguồn tài chính của chính phủ có thể không phải là nguồn tiền thông minh.

Grubb nói thêm rằng một số nghiên cứu học thuật đã phát hiện ra rằng các dự án điện than ở Đông Nam Á được xây dựng cho thấy rằng do tư duy lạc hậu và hoặc do không nhận thức được hoặc chẳng có lý do gì để quan tâm đến năng lượng tái tạo hoặc biến đổi khí hậu. Do đó, sức ì của thể chế là một yếu tố cần được giải quyết để một số nước đang phát triển ở châu Á chấp nhận quá trình chuyển đổi năng lượng.

Grubb nói: “Các nhà máy lớn và tập trung được đã được xây dựng dựa trên mô hình xây dựng các nhà máy điện lớn từ trước đến nay, họ sẽ sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng để sử dụng các công nghệ và hệ thống của họ”. Và “Nếu điện của một quốc gia được điều hành bởi các nhà xây dựng hệ thống lớn và được tổ chức dựa trên các cấu trúc tài chính và quy định tương ứng với các khoản đầu tư hàng tỷ đô la, thì họ sẽ phải vật lộn với các nguồn năng lượng phân tán quy mô nhỏ như năng lượng mặt trời. Điều này cũng có thể làm suy yếu cơ sở quyền lực chính trị và tài chính của họ”. Trong trường hợp này, sức ì và tư lợi thường có thể được liên kết chặt chẽ với nhau.

Lạc quan - thận trọng

Một phần lý do liên quan sức ì về thể chế mà Grubb đề cập đến, một lý do khác cho sự thận trọng là những cái có vẻ như là tích cực nhưng nếu kiểm tra kỹ hơn thì lại đầy sơ hở.

Ví dụ, vào tháng 7 năm 2020, Chính phủ Nhật Bản thông báo rằng họ sẽ thắt chặt các tiêu chí tài trợ của nhà nước đối với các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Tuy nhiên, quyết định của Nhật Bản có cả trường hợp miễn trừ khi không có giải pháp thay thế than để sự ổn định năng lượng của một quốc gia và cho phép nhà đầu tư cơ hội phát triển cái gọi là công nghệ “than sạch” của Nhật Bản. Những người chỉ trích nói rằng những ngoại lệ này chứng tỏ rằng Bộ Môi trường của Nhật Bản có rất ít ảnh hưởng đối với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản khi các bộ này ủng hộ mạnh mẽ việc xuất khẩu nhiệt điện than.

Một thông báo gần đây đòi hỏi sự thận trọng là thông báo do thủ tướng Pakistan đưa ra vào tháng 12 rằng nước này sẽ ngừng đưa và vận hành các nhà máy than mới. Điều này là do các dự án hiện có đang được phát triển sẽ được tiếp tục xây dựng, trong khi than của Pakistan sẽ tiếp tục được khai thác để làm nhiên liệu lỏng và khí mà quy trình này dẫn đến ô nhiễm môi trường rất cao.

Bên cạnh đó, việc chống lại các nhà máy than do Trung Quốc tài trợ ở Pakistan có vẻ đầy hứa hẹn. Các đối tác của Sáng kiến V​ành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc không phải thực hiện bất cứ điều gì mà Trung Quốc đưa ra. Thay vào đó, họ có thể đàm phán để xây dựng năng lượng tái tạo, một mặt hàng xuất khẩu ngày càng quan trọng và tăng trưởng nhanh. Trên thực tế, một tuần trước khi công bố về than của Pakistan, bộ trưởng năng lượng của nước này đã gặp đại sứ Trung Quốc để thảo luận về đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chính phủ Trung Quốc đã bị chỉ trích vì tiếp tục đầu tư vào các dự án điện than ở nước ngoài ngay cả khi đã tuyên bố vào tháng 9 năm 2020 rằng nước này sẽ trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060. Chính phủ cũng đã bổ sung vào dòng than sản xuất trong nước. GEM đã theo dõi sự gia tăng dòng than của Trung Quốc, từ 206 GW vào năm 2019 lên 254 GW vào năm 2020. Mặt khác, việc lắp đặt điện mặt trời của Trung Quốc đã tăng lên hơn 48 GW vào năm 2020, tăng 60% so với năm 2019.

Grubb cho biết Trung Quốc tài trợ “rất nhiều thứ” và không rõ liệu ban lãnh đạo đất nước đã đi đến quyết định liệu nước này có ủng hộ than hơn năng lượng tái tạo hay không. “Tuy nhiên, tôi sẽ dự đoán một điều: hầu như tất cả những quốc gia muốn có các nhà máy than do Trung Quốc tài trợ đều sẽ phải hối hận, thậm chí có thể là chính Trung Quốc”.

Đó là cải cách

Không còn nghi ngờ gì nữa, áp lực quốc tế sẽ tăng lên đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc giảm hoặc thậm chí ngừng đầu tư than ở nước ngoài và đưa các hoạt động đối ngoại của họ phù hợp với hành động trong nước vì cả ba nước đều đặt mục tiêu quốc gia các bon zero.

Hơn nữa, quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về việc tái gia nhập Hiệp định Paris ngay sau khi nhậm chức vào tháng trước, có thể tạo thêm động lực cho các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu quốc tế.

Điều rất cần thiết là một bước cải cách thị trường điện ở các nền kinh tế châu Á mới nổi. Grubb lập luận: “Mô hình tập trung các nhà máy lớn đã hoạt động đủ tốt để hỗ trợ phát triển nhanh chóng dựa vào các nhà máy điện lớn, nhưng nhiều chính phủ lo lắng về tính kém hiệu quả của mô hình này trong bối cảnh thay đổi chóng mặt”.

“Đơn giản hóa thì dễ, tự do hóa không phải là thuốc chữa bách bệnh. Nhưng việc tạo ra một số cạnh tranh có thể rất quan trọng về mặt cấu trúc và giúp mở ra hệ thống với những cơ hội mới như năng lượng tái tạo chẳng hạn”.

Tương tự, Grubb tiếp tục, “rất dễ dàng đối với một số hệ thống do chính phủ lãnh đạo trở thành sa lầy trong các khoản trợ cấp chéo - chỉ cần nhìn vào Ấn Độ, nơi có rào cản lớn đối với năng lượng tái tạo là cách mà điện nông nghiệp gần như miễn phí và đường sắt trợ giá chéo cho các nhà máy than”.

“Vì vậy, vấn đề thực sự là sắp xếp các nỗ lực cải cách ngành điện để cũng tận dụng các cơ hội mà năng lượng tái tạo đang mang lại. Đó là chìa khóa cho nhiều quốc gia ”.

Ilias Tsagas

Theo PV Magazine (https://www.pv-magazine-india.com/2021/02/13/the-long-read-what-asia-needs-to-turn-away-from-coal/?fbclid=IwAR1hSfN4Z-9ej0DxN2MTxV84zbOQa3U3AUsQBEqpekuFuaqFoZkGy8q0RK4)