Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

ĐIỀN DÃ BÁO CHÍ: THAM QUAN CÁC MÔ HÌNH "ĐIỆN XANH" TẠI ĐBSCL

  |   Viết bởi : GreenID

Tháng 11/2020, 20 nhà báo từ các báo, đài lớn trong cả nước đã cùng tham gia chuyến thực tế Điền dã báo chí tại Đồng bằng sông Cửu Long ...

Tháng 11/2020, 20 nhà báo từ các báo, đài lớn trong cả nước đã cùng tham gia chuyến thực tế Điền dã báo chí tại Đồng bằng sông Cửu Long do GreenID tổ chức.

Đồng hành cùng chúng tôi là 20 nhà báo từ các cơ quan báo chí chính thống, ở đa dạng các loại hình: truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo mạng, báo điện tử; các nhà báo tham gia chuyến đi đều đến từ các cơ quan báo chí lớn như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam, VTV1, VTC14, báo Đại biểu nhân dân, Tạp chí Kinh tế môi trường, Thời báo Kinh tế Sài gòn…

20 nhà báo cùng tham dự Điền dã báo chí tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chỉ trong 4 ngày làm việc hiệu quả, cả đoàn đã được tham quan thực tế 2 nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là mô hình nuôi tôm, du lịch kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo tại Đồng bằng sông Cửu Long và trò chuyện với người dân về những lợi ích từ mô hình họ đang được cảm nhận trực tiếp.

Tại Mô hình Điện Mặt trời kết hợp với nuôi tôm của Công ty Cổ phần Solan Việt Nam, chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6 ha ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu) bây giờ đã trở thành “nhà máy phát điện” với những tấm pin năng lượng mặt trời. Trò chuyện với anh Thành – quản lí mô hình chúng tôi biết rõ hơn: khu vực nuôi tôm thâm canh có nhiều ao để sử dụng nước theo quy trình khép kín, gồm các ao chứa nước, lắng lọc và ao nuôi. Pin năng lượng mặt trời lắp trên thống giàn xây dựng ở các ao chứa nước và lắng lọc, tận dụng ánh nắng mặt trời trên mặt nước. Còn ao nuôi tôm để trống, không lắp pin để tôm được tiếp xúc với ánh nắng và phát triển. Như vậy, 2/3 diện tích nuôi tôm đã tận dụng được “nguồn lợi kép”, vừa chăn nuôi, duy trì sinh kế, vừa sản xuất điện năng tự phục vụ sản xuất.

Điền dã báo chí tại đầm nuôi tôm kết hợp sản xuất điện từ Pin mặt trời

Ngoài năng lượng mặt trời, Bạc Liêu còn sở hữu dự án điện gió lớn nhất cả nước và là dự án điện gió đầu tiên ở Đông Nam Á được xây dựng trên thềm lục địa. Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công lý đầu tư có quy mô 62 trụ turbine gió, công suất 99,2 MW, tổng mức đầu tư 5.217 tỷ đồng. Được khởi công xây dựng ngày 9/9/2010 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hoàn thành 10 turbine và phát điện hòa lưới quốc gia tháng 5/2013. Giai đoạn 2 hoàn thành 52 turbine, phát điện hòa lưới quốc gia tháng 12/2015. Như vậy, sau 5 năm hoàn thiện, nhà máy hiện đang hoạt động ổn định, tổng lượng điện phát lên lưới tính đến cuối năm 2020 đạt trên 1,1 tỷ kWh. Bên cạnh, có 9 dự án điện gió khác với tổng công suất 562 MW đang tổ chức triển khai và sẽ lần lượt được hoàn thành trước tháng 11/2021.

Tới với ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang sử dụng 100% Năng lượng tái tạo, cùng với các nhà báo, chúng tôi được trò chuyện với gia đình nhà chú Tám Tiền, cô Tím - lần đầu tiên tự chủ nguồn điện thay vì phải phụ thuộc vào những cục pin tích trữ. Tại những nơi điện lưới quốc gia còn chưa đặt chân tới mới thực sự thấy tự chủ điện năng tưởng chừng đơn giản mà cũng khó khăn đến thế. Cùng với Nhà máy điện mặt trời Sao Mai, đây sẽ là một trong các mô hình Du lịch kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo tương tự với Điện gió Công Lý.

Cùng trò chuyện với người dân đang trực tiếp sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời

Càng đi sâu vào thực tế, tương lai của năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng tái tạo phân tán trong các hộ dân, cộng đồng, mô hình sản xuất địa phương không còn chỉ ở trong các văn bản, kế hoạch mà đã hiển hiện ngay trước mắt. Điều đó nhờ một phần lớn vào tư duy đổi mới, cập nhật của các chính quyền địa phương.

Ví như, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu đúc rút một bài học kinh nghiệm quý báu: sự quan tâm của tỉnh ủy, UBND, cũng như phía địa phương rất quan trọng trong tạo điều kiện thu hút đầu tư. Quy hoạch phải đồng bộ với đường dây truyền tải, nhà đầu tư quan tâm nhất là giá nên có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư bằng các chính sách tài chính.

Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cũng xác định xu hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới là nông nghiệp công nghệ cao gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, và áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các nhà báo trong buổi nói chuyện cùng các Sở Công thương, Sở NN&PTNT Bạc Liêu và An Giang

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sắp tới là trung tâm điện lực cả nước cũng như là nơi đầy tiềm năng hứa hẹn cho mảnh đất năng lượng tái tạo, đang ngày một chuyển mình mạnh mẽ ứng dụng năng lượng tái tạo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và trở thành đầu tàu năng lượng tái tạo của cả nước.

Trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII đang được Thủ tướng chính phủ xem xét và cân nhắc, các mô hình sản xuất năng lượng tái tạo tại Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu và An Giang sẽ từ chuyến đi này sẽ được các nhà báo đưa tới đại chúng và cơ quan chức năng. Chúng ta không chỉ “có thể thực hiện” mà thực tế đã chứng minh các mô hình đó chắc chắn sẽ thành công, như Bạc Liêu và An Giang.  

Một số bài báo, bản tin về chuyến đi thực tế của các nhà báo:

  1. Báo Nhân dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/ket-hop-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-va-dien-mat-troi-ap-mai-625590/
  2. Thông tấn xã Việt Nam: https://bnews.vn/ket-hop-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-va-dien-mat-troi-mai-nha/178761.html
  3. VTC4: https://www.youtube.com/watch?v=JBZlwhw1_hA&feature=emb_logo 
  4. Báo Kinh tế môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-ket-hop-dien-mat-troi-ap-mai-tai-hau-giang-51334.html
  5. Báo Cần thơ Online: https://baocantho.com.vn/khi-the-gioi-chia-tay-dien-than-a128040.htm
  6. .....

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam thông qua xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các cá nhân nòng cốt tại địa phương, nhằm tăng cường khả năng tiết cận năng lượng và cải thiện điều kiện sống cho người dân Việt Nam" do Liên minh Châu Âu EU tài trợ.